Số lượng vaccine ngừa COVID-19 này chỉ tương ứng 1/3 cam kết theo hợp đồng và giảm 25% so với cam kết mà hãng đưa ra hồi tháng trước trong các cuộc thương thảo giữa 2 bên nhằm giải quyết vấn đề tranh cãi việc AstraZeneca không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.
Việc làm này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm chủng vaccine của EU trong bối cảnh nhiều nguồn cung ứng vaccine cho khối này bị chậm trễ, ảnh hưởng đến nỗ lực phòng chống dịch bệnh tại các nước.
Văn bản ngày 10/3 mà theo Reuters đã được gửi tới các quan chức EU nêu cụ thể AstraZeneca đến cuối tháng 3/2021 sẽ bàn giao 30,1 triệu liều cho EU và 20 triệu liều khác trong tháng 4.
Ngày 25/2, ông chủ của AstraZeneca, Pascal Soriot thông báo với Nghị viện châu Âu (EP) rằng công ty sẽ cố gắng chuyển 40 triệu liều vaccine cho khối này vào cuối tháng 3. Trong khi đó, theo hợp đồng ban đầu giữa hai bên, AstraZeneca có nghĩa vụ cung cấp 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho khối này trong quý từ tháng 1 đến tháng 3 và 180 triệu liều trong quý tiếp theo.
Trong khi đó, người ngôn của AstraZeneca ngày 12/3 đã từ chối bình luận trước thông tin trên.
Liên quan đến vấn đề này, trong tuyên bố ngày 11/3, ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách công nghiệp của EU Thierry Breton đã ghi nhận những nỗ lực của AstraZeneca trong việc cung cấp vaccine cho EU, song ông cho rằng nỗ lực này chưa ở mức cao nhất.
Những vấn đề liên quan đến nguồn cung vaccine đã ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở các nước EU, khiến tiến trình tiêm chủng của các nước này tụt hậu so với nhiều nước như Mỹ, Anh và Israel.
AstraZeneca thừa nhận công ty này thiếu hụt khoảng 60% trong tổng số 100 triệu liều vaccine dự kiến giao cho EU trong quý I/2021 mà nguyên nhân là do vấn đề năng xuất tại các nhà máy sản xuất tại châu Âu. Công ty này hy vọng sẽ cải thiện năng suất trong quý II/2021.
Không chỉ thực hiện các hợp đồng cung cấp vaccine cho từng nước, AstraZeneca hiện là một trong những nhà cung ứng vaccine cho COVAX - cơ chế phân phối vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình do Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng. Đến nay, đã có hàng chục nước trên khắp các châu lục tiếp nhận vaccine của hãng trong COVAX và triển khai chương trình tiêm chủng.