Báo cáo trên được AstraZeneca đưa ra sau khi một ủy ban chuyên gia độc lập tại Mỹ cho rằng các dữ liệu trước đó chưa đủ cập nhật. Ủy ban này có vai trò cố vấn cho giới chức quản lý Mỹ trong quá trình đánh giá cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của AstraZeneca tại nước này.
Như vậy, so với báo cáo cũ, hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng của vaccine thấp hơn 3 điểm % (từ 79% xuống 76%).
Số liệu mới được đưa ra dựa trên phân tích nhóm 190 người mắc bệnh trong tổng số 32.449 người tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine của AstraZeneca (2/3 dùng vaccine và 1/3 dùng giả dược). Trong khi đó, số liệu cũ được đưa ra dựa trên phân tích nhóm 141 người mắc bệnh.
Hãng trên cũng cho biết còn có 14 trường nghi ngờ mắc bệnh đang được theo dõi. Tùy vào kết quả theo dõi và phân tích nhóm 14 trường hợp này mà dữ liệu về hiệu quả vaccine có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh.
Trong báo cáo mới, công ty cũng cho biết hiệu quả trung bình của vaccine với nhóm trên 65 tuổi là 85%, dao động trong khoảng từ 58% - 95%. Có 8 ca bệnh nặng đều thuộc nhóm dùng giả dược.
Vaccine của AstraZeneca là một trong những vaccine phòng COVID-19 được công bố đầu tiên trên thế giới và là một trong những công cụ quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tiêm chủng phòng bệnh trên toàn thế giới vì có giá thành phải chăng và có thể được bảo quản lâu dài ở nhiệt độ tủ lạnh. Mỹ đã đặt mua khoảng 300 triệu liều vaccine của hãng này.
Một số nước châu Âu từng tạm dừng sử dụng vaccine này do lo ngại những tác dụng phụ. Tuy nhiên, ngày 18/3, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) đã khẳng định vaccine an toàn và nhìn chung không liên quan hiện tượng đông máu đồng thời cho rằng chỉ cần thêm thông tin cảnh báo về các nguy cơ trên nhãn mác của vaccine.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ủng hộ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca và kêu gọi các quốc gia duy trì việc triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine.