Theo ông Joko Widodo, Ấn Độ có thể trở thành đối tác chiến lược của ASEAN trong việc tăng cường năng lực y tế khu vực, đặc biệt là để xử lý các đại dịch hiện nay như tăng năng lực sản xuất thuốc và vaccine, nguyên liệu chế biến thuốc, hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y tế.
Quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ có thể hướng tới phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19. Các nền tảng kỹ thuật số đang phát triển và có khả năng khuyến khích chuyển đổi kinh tế, do đó, với tư cách là quốc gia có hệ sinh thái kinh tế số rộng lớn và phát triển nhanh, Ấn Độ có thể mở rộng hợp tác với các nước ASEAN vốn cũng đang thúc đẩy kinh tế kỹ thuật số.
Đánh giá việc hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ nhằm cải thiện an ninh mạng và lĩnh vực kỹ thuật số cũng là điều cần thiết, Tổng thống Joko Widodo hoan nghênh chương trình học bổng dành cho 1.000 nhà khoa học ASEAN tại Học viện Công nghệ Ấn Độ theo sáng kiến của Thủ tướng Narendra Modi năm 2018, đồng thời khẳng định sự hợp tác này có thể tiếp tục củng cố cơ sở cho hợp tác kỹ thuật số ASEAN-Ấn Độ.
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng khẳng định phục hồi kinh tế đòi hỏi hai bên mở rộng giao thương và mở rộng kết nối Ấn Độ với ASEAN là “chìa khóa” để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, đồng thời nhắc lại Ấn Độ có thể tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào thời điểm thích hợp nhằm cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh và chuỗi cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tổng thống Indonesia tin tưởng rằng Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể đóng một vai trò nhất định trong việc biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành một khu vực ổn định, an ninh và hòa bình. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng sức mạnh tổng hợp giữa Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ góp phần tăng cường hợp tác ASEAN-Ấn Độ.