Armenia vẫn phụ thuộc năng lượng quá lớn vào Nga

Bất chấp những nỗ lực nhằm đa dạng hóa các liên minh chính trị và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, nền kinh tế và năng lượng Armenia vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào Nga.

Chú thích ảnh
Nga sẽ giúp hiện đại hóa nhà máy điện hạt nhân của Armenia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo mạng tin eurasianet.org mới đây, bất chấp mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước, công ty năng lượng nguyên tử nhà nước của Nga sẽ giúp hiện đại hóa nhà máy điện hạt nhân của Armenia và có khả năng sẽ xây dựng một tổ máy mới.

Cụ thể, các đại diện phía Armenia và Nga mới đây đã ký hợp đồng hiện đại hóa và kéo dài thời gian hoạt động của Nhà máy điện hạt nhân Metsamor (NPP) của Armenia đến năm 2036. 

Việc nâng cấp sẽ được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Dịch vụ Rustatom, một công ty con của tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga, với khoản đầu tư 65 triệu USD từ Chính phủ Armenia.

Thỏa thuận này là một dấu hiệu khác cho thấy mức độ ảnh hưởng to lớn của Nga đối với cơ sở hạ tầng năng lượng và nền kinh tế của Armenia trong bối cảnh Yerevan đang nỗ lực tạo khoảng cách chính trị với Moskva. 

Metsamor đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng của Armenia, đóng góp trung bình 31% sản lượng điện hàng năm của nước này.

Đây là nhà máy điện hạt nhân duy nhất ở Nam Caucasus, nằm cách Yerevan khoảng 30 km về phía Tây. Nó bao gồm hai tổ máy, Metsamor-1 và Metsamor-2, được đưa vào hoạt động lần lượt vào năm 1976 và 1980. Năm 1989, nhà máy bị đóng cửa do lo ngại về an toàn sau trận động đất kinh hoàng ở Spitak vào tháng 12/1988. Năm 1995, Tổ máy 2 được tái kích hoạt do tình trạng thiếu năng lượng ở Armenia, và kể từ đó là tổ máy hạt nhân duy nhất còn hoạt động.

Năm 2021, Rosatom đã sửa chữa, nâng cấp Tổ máy 2 của Metsamor để vận hành đến năm 2026. Việc hiện đại hóa được thực hiện theo hiệp định vay nợ giữa Armenia và Nga năm 2015. 

Theo thỏa thuận mới nhất, Rosatom sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của Tổ máy-2 cho đến năm 2036, sau đó tổ máy sẽ ngừng hoạt động. 

Các hoạt động nâng cấp sẽ được  tài trợ dưới hình thức "khoản vay ngân sách" do Chính phủ Armenia cung cấp cho ban quản lý nhà máy thuộc sở hữu nhà nước, sau đó sẽ ký hợp đồng với Rosatom. Trong giai đoạn đến năm 2026, Rosatom sẽ hiện đại hóa Metsamor với sự hợp tác chặt chẽ từ các chuyên gia Armenia.

Vì lò phản ứng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2036, Chính phủ Armenia dự định xây dựng một cơ sở hạt nhân mới tại Metsamor. Các ước tính khác nhau khẳng định rằng việc xây dựng một nhà máy hoặc tổ máy điện hạt nhân mới sẽ mất 6-10 năm, điều đó có nghĩa là các công trình xây dựng phải được bắt đầu trong vài năm tới.

Có khả năng công trình xây dựng đó sẽ do Rosatom thực hiện, theo nhận xét của Phó Thủ tướng Nga Alexey Overchuk  vào tháng 12 năm ngoái rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành liên quan đến các tổ máy điện hạt nhân mới. 

Sự phụ thuộc quá lớn vào Nga 

Thỏa thuận Metsamor mới diễn ra vào thời điểm phức tạp trong quan hệ Armenia-Nga. Sự xa lánh Nga gia tăng với Armenia sau khi Azerbaijan giành quyền kiểm soát khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh vào tháng 9 năm ngoái.

Nhưng bất chấp những nỗ lực nhằm đa dạng hóa các liên minh chính trị và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây, nền kinh tế Armenia vẫn  phụ thuộc hoàn toàn vào Nga. Nga là đối tác thương mại lớn nhất của Armenia và Armenia là thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và  Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. 

Và tiếp đó là sự phụ thuộc năng lượng: Nga cung cấp 87,5% lượng khí đốt của Armenia (phần còn lại đến từ Iran) và Gazprom Armenia, công ty con của tập đoàn khí đốt nhà nước Nga, sở hữu toàn bộ cơ sở hạ tầng phân phối khí đốt của Armenia. Armenia cho biết họ tạo ra 98% lượng điện cần thiết nhưng tuyên bố đó thậm chí nhằm che giấu sự phụ thuộc nhiều hơn. 

Nguồn điện đó chủ yếu được tạo ra bởi các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và từ Metsamor. Metsamor được cung cấp nhiên liệu hoàn toàn bằng uranium nhập khẩu từ Nga trong khi các nhà máy nhiệt điện phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên (phần lớn của Nga). 

"Khả năng tự cung cấp của chúng tôi phụ thuộc vào các quốc gia mà chúng tôi nhập khẩu khí đốt và uranium vận hành các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân. Và khi các quan chức chính phủ của chúng tôi nói về khả năng tự cung cấp của Armenia, tại sao họ lại quên nói cách chúng tôi duy trì nó?", chuyên gia năng lượng Armen Manvelyan nói với Viện Báo cáo Chiến tranh và Hòa bình (IWPR), nhấn mạnh rằng hơn 70% điện năng của Armenia phụ thuộc vào Nga.

Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Armenia không ngừng tăng lên. Năm 2022, nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga của Armenia tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,6 tỷ mét khối. 

Đại sứ Iran tại Armenia, Mehdi Sobhani, gần đây đã đề cập về khả năng tăng gấp ba hoặc gấp bốn lần lượng xuất khẩu khí đốt của Tehran sang Armenia. Nhưng một động thái như vậy sẽ cần có sự đồng ý và tạo điều kiện của Nga, vì Gazprom kiểm soát đường ống dẫn khí đốt tới Iran.

Armenia đang tìm kiếm khả năng có được các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ nhỏ từ Mỹ, Pháp và Hàn Quốc như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa lĩnh vực năng lượng của mình. Nhưng cho đến nay, tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực này vẫn chưa rõ ràng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Armenia để ngỏ khả năng thảo luận rộng rãi về vấn đề gia nhập EU
Armenia để ngỏ khả năng thảo luận rộng rãi về vấn đề gia nhập EU

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 14/3, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã kêu gọi đối thoại rộng rãi trong công chúng về khả năng nộp đơn gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN