Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Bộ trưởng Y tế Carla Vizzotti cho biết trong tổng số 51,9 triệu liều vaccine mà Argentina đã tiếp nhận đến thời điểm hiện tại, 45,5 triệu liều đã được sử dụng tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên và dự kiến sẽ sớm triển khai tiêm cho trẻ vị thành niên từ 12 đến 17 tuổi ngay trong tháng 9 này.
Cũng liên quan tới chương trình tiêm chủng quốc gia, Chính phủ Argentina cho biết ngày 8/9 sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên của Pfizer gồm 100.000 liều trong khuôn khổ hợp đồng mua 20 triệu liều vaccine của tập đoàn dược phẩm này. Pfizer cam kết sẽ chuyển giao cho Argentina 580.000 liều từ nay cho đến cuối tháng và số còn lại sẽ được chuyển trong quý IV.
Là một trong những quốc gia Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 song Argentina đã ghi nhận 14 tuần liên tiếp có số ca mắc COVID-19 mới giảm, 12 tuần liên tiếp có số ca điều trị tích cực và tử vong giảm. Theo thống kê chính thức, đến nay, Argentina có hơn 5,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó 112.851 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.
*Tổng thống Peru Pedro Castillo ngày 7/9 tuyên bố quốc gia Nam Mỹ này sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga, với mục đích đẩy nhanh quá trình tiêm chủng đại trà cho người dân. Ông Castillo cho biết, thỏa thuận lắp đặt nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Peru và Chính phủ Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Peru không cho biết thêm về chi tiết về các cuộc đàm phán này.
Về phần mình, Bộ trưởng Y tế Peru Hernando Cevallos nhận định nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V tại Peru có thể sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Ông Cevallos cho biết Bộ Y tế Peru, cơ quan phụ trách việc lắp đặt nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V, đã bắt đầu quá trình đàm phán thương mại với các đối tác Nga, đồng thời khẳng định quá trình sản xuất vaccine sẽ chỉ bắt đầu sau khi bộ trên xác định rõ các khía cạnh liên quan đến vấn đề thương mại của thỏa thuận này.
Các nguồn tin chính thức từ ngành y tế Peru khẳng định, vaccine Sputnik V đã được chấp thuận ở 70 quốc gia trên thế giới và theo các nghiên cứu, loại vaccine này có hiệu quả tới 97,6% đối với bệnh COVID-19.
Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh với gần 200.000 trường hợp tử vong và hơn 2,15 triệu ca nhiễm tính đến nay.