Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Anh quyết tâm đảm bảo rằng tàu thuyền nước này được bảo vệ khỏi các mối đe dọa bất hợp pháp. Do đó, London đã quyết định tham gia nhiệm vụ an ninh hàng hải mới tại vùng Vịnh. Ông cho biết Anh mong muốn hợp tác với Mỹ và các nước khác để tìm ra giải pháp quốc tế cho các vấn đề tại eo biển Hormuz.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định Tehran sẽ không nhân nhượng trước các hành vi "xâm phạm hàng hải" tại eo biển Hormuz.
Quan hệ giữa Anh và Iran đang rơi vào tình trạng căng thẳng liên quan đến việc hai nước bắt giữ tàu chở dầu của nhau gần đây. Ngày 19/7, Iran thông báo đã bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh có hành trình tới một hải cảng ở Saudi Arabia nhưng đã bất ngờ đổi lộ trình sau khi đi qua eo biển tại vùng Vịnh. Phía Iran cho biết tàu này bị bắt giữ do "vi phạm luật hàng hải quốc tế". Trước đó, ngày 4/7, chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran với lý do tàu này vi phạm các trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria.
Eo biển Hormuz chỉ rộng 33 km, nhưng lại là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) quản lý. Tình hình tại đây đang ngày càng trở nên căng thẳng do các vụ tấn công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái (UAV) của nhau, cũng như việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh.
Mỹ đã mời các nước Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Bỉ, Anh và Hàn Quốc tham gia liên minh, khẳng định rằng tất cả các bên liên quan sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của họ mà còn để đảm bảo nguyên tắc cơ bản về giao thông hàng hải tự do và mở. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức sẽ không tham gia liên minh hải quân của Mỹ, mà ủng hộ một sứ mệnh của châu Âu trong vấn đề này.