Phát biểu ngày 16/1 tại Brussels (Bỉ) khi tham dự hội nghị ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1, được ký kết vào tháng 7/2015 và có hiệu lực từ tháng 1/2016, là một thỏa thuận khó khăn, gây nhiều tranh cãi, song có thể ngăn chặn tham vọng về hạt nhân của Iran. Ông khẳng định đây là một thỏa thuận chính đáng và Anh muốn duy trì văn kiện này.
Trước đó, cùng ngày, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại chung của EU Federica Mogherini khẳng định vì an ninh của châu Âu, liên minh sẽ tiếp tục hợp tác với Iran trong việc triển khai thỏa thuận này. Bà Mogherini cho biết thỏa thuận hạt nhân đang tiến triển và có nhiều điều khoản được thực thi. Quan chức EU nhấn mạnh kể từ khi có hiệu lực từ đầu năm ngoái, thỏa thuận này đã thu lại một số kết quả tích cực, trong đó phải kể đến sự gia tăng hợp tác trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Tehran và các nước phương Tây.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố của Anh và EU được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về tương lai của thỏa thuận hạt nhân sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Trump, người từng nhiều lần tuyên bố sẽ xóa bỏ thỏa thuận này, nhậm chức vào ngày 20/1.
Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 7/2015, Iran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân và chấp thuận các cuộc thanh sát mới để đổi lại việc được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của phương Tây và quốc tế. Theo đó, Iran sẽ phải giảm 2/3 số máy li tâm được sử dụng để làm giàu urani (uranium), loại bỏ khả năng Tehran sử dụng nguyên liệu này để chế tạo bom nguyên tử. Cụ thể, trong vòng 15 năm, Iran chỉ được sở hữu không quá 300 kg urani làm giàu tối đa 3,67%. Nhà máy hạt nhân ở Arak cũng chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình. Mọi nhiên liệu hạt nhân phải được đưa ra khỏi Iran trong khi nhà máy này còn hoạt động. Đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt Iran từ năm 2006 trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, tài chính và năng lượng.