Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại Florence, Italy ngày 22/9/2017. Ảnh: AFP/TXTVN |
Cụ thể, Thủ tướng Anh Theresa May đã thành lập một nhóm chuyên gia hàng không vũ trụ và kỹ thuật, do Cơ quan Không gian Anh phụ trách, có nhiệm vụ phát triển Hệ thống Vệ tinh định vị toàn cầu của Anh có khả năng dẫn đường cho các tên lửa và các vệ tinh định vị.
Tham gia nhóm này còn có các chuyên gia đến từ các cơ quan chính phủ và các tập đoàn tư nhân. Nhóm chuyên gia này sẽ thử nghiệm việc cung cấp cả các tín hiệu dân sự và mã hóa để hệ thống định vị của Anh có các khả năng an ninh và thương mại tương tự hệ thống định vị GPS của Mỹ.
Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu do Anh phát triển sẽ sử dụng các vùng lãnh thổ hải ngoại và độc lập của nước này để đưa ra một mạng lưới toàn cầu gồm các địa điểm cần thiết cho cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Dự kiến, hệ thống này sẽ ra mắt vào khoảng năm 2025.
Trước đó, EU cho biết các công ty Anh có thể sẽ không được đấu thầu các hợp đồng liên quan đến dự án Galileo, hệ thống định vị vệ tinh trị giá 12 tỷ USD của châu Âu được phát triển để cạnh tranh với đối thủ GPS của Mỹ và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026. Anh đóng một vai trò quan trọng trong dự án phát triển hệ thống Galileo và bày tỏ mong muốn tiếp tục tham gia dự án này sau khi rời EU vào tháng 3 năm sau.
Tuy nhiên, đầu năm nay, EU đã quyết định sẽ di chuyển một trong những cơ sở giám sát vệ tinh của Galileo từ Anh sang Tây Ban Nha với lý do "đảm bảo an ninh". Khi hệ thống này chính thức hoạt động vào năm 2026, Anh sẽ có thể sử dụng tín hiệu mở của Galileo, song các lực lượng vũ trang và các dịch vụ khẩn cấp ở nước này có thể sẽ bị tước quyền truy cập vào hệ thống mã hóa.
Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu của châu Âu là dự án do EU tài trợ, dưới sự quản lý của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu và chỉ dành cho các nước thành viên EU.
Một báo cáo của Chính phủ Anh công bố gần đây ước tính, nếu không có một hệ thống định vị vệ tinh, nền kinh tế nước này có thể sẽ phải tiêu tốn 1 tỷ USD/ngày do các cơ sở hạ tầng quan trọng, quốc phòng và ứng phó khẩn cấp đều phụ thuộc vào công nghệ này.
Anh là quốc gia đi đầu thế giới về phát triển công nghệ vệ tinh, chế tạo tới 40% tổng số vệ tinh nhỏ và 1/4 số vệ tinh viễn thông trên toàn cầu.