Theo phóng viên TTXVN tại London, chương trình truyền thông tại Việt Nam là bước đi mới nhất của Anh trong chiến dịch hợp tác quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu. Thông qua chương trình này, nhà chức trách Anh muốn cảnh báo những nguy cơ khi nhập cảnh trái phép vào Anh, đồng thời vạch trần thủ đoạn của các đường dây buôn người. Các chiến dịch tương tự cũng đang được Chính phủ Anh xem xét thực hiện tại các quốc gia ưu tiên khác.
Chương trình sẽ thông qua mạng xã hội Facebook và YouTube để tuyên truyền về những nguy hiểm mà người di cư phải đối mặt trong hành trình di cư bất hợp pháp đến Anh. Các bài đăng phản ánh những chia sẻ thực tế của những người nhập cư trái phép vào Anh, cũng như các quan chức của Lực lượng Biên phòng và Thực thi Di trú của Bộ Nội vụ, những người thường xuyên tiếp xúc với người nhập cư bất hợp pháp bị bán làm nô lệ hiện đại hoặc bị chính những đối tượng đưa họ vào Anh ép buộc làm việc bất hợp pháp. Các bài đăng cũng dẫn tới đường link của trang web đăng tải các video trong đó nhân viên của Lực lượng Thực thi Di trú và Biên phòng chia sẻ những trải nghiệm trong việc giải cứu những người di cư vượt Eo biển Manche gặp nguy hiểm.
Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly cho biết, sau thành công của chiến dịch truyền thông ở Albania năm ngoái, Anh mở rộng chương trình sang Việt Nam - một đối tác quan trọng của Anh trong việc giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp - nhằm triệt phá các đường dây tội phạm kiếm lợi từ hoạt động buôn người. Ngày 17/4 tới, các quan chức cấp cao của hai nước sẽ nhóm họp ở London để thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong vấn đề di cư.
Theo Bộ Nội vụ Anh, hằng năm, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đưa hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sang Anh bằng cách vượt Eo biển Manche bằng thuyền nhỏ. Chỉ riêng trong hai năm 2022 - 2023, có tới 76.000 người đến Anh thông qua tuyến đường này. Số người tử vong trên hành trình vượt biển này trong năm 2023 tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Nhiều người nhập cư bất hợp pháp bị những kẻ buôn người buộc phải sống trong điều kiện chật chội và nguy hiểm, không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hoặc không được làm việc hợp pháp.
Tháng 12/2022, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố tăng gấp đôi kinh phí cho Cơ quan chống tội phạm quốc gia (NCA) tiến hành công tác chống tội phạm có tổ chức về di cư. Chính phủ Anh cũng ban hành luật mới về di cư bất hợp pháp, theo đó cho phép trục xuất nhanh chóng những người không có quyền định cư tại Anh.