Dòng người di cư đổ về đã gây căng thẳng cho nguồn tài nguyên ở quần đảo Canary (gồm 7 hòn đảo nằm trên Đại Tây Dương), đồng thời khiến vấn đề di cư được đưa lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị tại Tây Ban Nha - quốc gia đang cùng Italy và Hy Lạp trở thành điểm đến hàng đầu của những người di cư trên hành trình tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.
Số liệu thống kê cho thấy trong năm ngoái đã có 56.852 người di cư bất hợp pháp tới Tây Ban Nha, tăng 82,1% so với một năm trước đó và gần bằng mức 64.298 người của năm 2018. Trong số này, 39.910 người di cư đã vượt biển tới quần đảo Canary trên những con thuyền gỗ chật chội và thiếu an toàn, với điểm xuất phát là châu Phi. Đáng chú ý, con số này đã tăng tới 154,5% so với năm 2022 và vượt mốc kỷ lục ghi nhận năm 2006.
Tuy là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới, nhưng tuyến di cư qua Đại Tây Dương đến quần đảo Canary ngày càng trở nên phổ biến hơn những năm gần đây, trong bối cảnh các con đường khác qua Địa Trung Hải bị siết chặt kiểm soát.
Tổ chức phi chính phủ Caminando Fronteras của Tây Ban Nha cho biết số nạn nhân mất tích hay thiệt mạng trên đường tới quần đảo Canary có thể lên đến hơn 7.800 người trong giai đoạn 2018-2022. Có thời điểm quần đảo này phải vật lộn để giải quyết hơn 4.000 trẻ em di cư không có người lớn đi cùng, trong đó nhiều em phải ở cùng người lớn do thiếu nơi ở cho trẻ vị thành niên. Giới chức địa phương đã liên tục kêu gọi sự trợ giúp của chính phủ cũng như Liên minh châu Âu (EU) với lý do dòng người di cư tăng đột biến đã gây áp lực đối với các nguồn tài nguyên ở quần đảo.
Trong thị sát quần đảo Canary ngày 2/1 vừa qua, Bộ trưởng Di cư Tây Ban Nha Elma Saiz thông báo chính phủ đang xây dựng bộ luật nhằm phân bổ lượng trẻ vị thành niên di cư bất hợp pháp trên khắp đất nước. Tháng 10/2023, Chính phủ Tây Ban Nha cũng cam kết gói viện trợ trị giá 50 triệu euro (54 triệu USD) cho quần đảo này. Bên cạnh đó, Madrid cũng tăng cường phối hợp với hai nước Senegal và Mauritania trong nỗ lực kiểm soát các chuyến tàu hướng đến quần đảo. Hồi cuối tháng trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng hoan nghênh thỏa thuận cải cách chính sách về người di cư và xin tị nạn của EU. Ông cho rằng đây là “chìa khóa” hỗ trợ Tây Ban Nha nâng cao năng lực quản lý biên giới và người di cư.