Nhà báo Anderson Cooper (trái) trên sân khấu cuộc tranh luận của Đảng Dân chủ. |
Trang phục là một trong nhiều yếu tố được bàn đến trong cuộc tranh luận đầu tiên của Đảng Dân chủ, và vẻ ngoài của người "cầm trịch" Anderson Cooper được đánh giá “không chê vào đâu được”. Trong khi đó, trang phục của các ứng cử viên được nhìn nhận cũng phần nào phản ánh màn trình diễn của họ: cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinlon chỉn chu, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hơi nhàu, Thống đốc Lincoln Chafee hơi rộng, Thống đốc Martin O’Malley chải chuốt và thượng nghị sĩ Jim Webb hơi cứng.
Mặc dù phần mở đầu chương trình theo kịch bản của CNN không thật sự ấn tượng, nhưng ngay khi những câu hỏi của Anderson Cooper vang lên, sự lôi cuốn ngay lập tức trở lại trường quay. Trong vai trò người dẫn dắt, điều phối cuộc tranh luận, nhà báo Anderson Cooper đã khéo léo trong việc vừa tạo ra một cuộc tranh luận có giá trị, lại vừa tạo ra một chương trình truyền hình hấp dẫn.
Không như cuộc tranh luận của Đảng Cộng hòa vốn nói nhiều về các chính sách nạo phá thai, nhập cư, bức tường giữa Mỹ và Mexico, cảm giác ban đầu nhà báo Cooper tạo ra là việc ông đánh trực tiếp vào vấn đề quan ngại cốt lõi của các chính trị gia đảng Dân chủ về cuộc bầu cử năm 2016: khả năng trúng cử.
Ngay sau đó ông lập tức chuyển sang những vấn đề liên quan tới hình ảnh chính trị vốn bị nhìn nhận là điểm yếu của từng ứng viên: dân chủ xã hội, vụ tấn công Benghazi 2012, chính sách kiểm soát súng, lập trường quan điểm… rồi theo dõi cách các chính trị gia đối đáp để chứng minh cho hành động của họ.
Một trong những lí do khiến cuộc tranh luận duy trì được sự hấp dẫn là việc nhà báo Cooper không để cho các phần trả lời kéo dài. Trái lại, ông di chuyển từ chủ đề này đến chủ đề khác, từ ứng viên này đến ứng viên khác, từ câu hỏi này đến câu hỏi khác, không ngại cắt ngang, không ngại chặn họng.
Dưới sự "dẫn dắt" của Anderson Cooper, các ứng viên bị đẩy ra xa nội dung đang phát biểu và buộc phải đối diện với câu trả lời người xem quan tâm và thực sự muốn nghe. Có thể thấy, trong suốt buổi tranh luận, Anderson không cố lấy lòng ứng viên nào hay tỏ ra kẻ cả. Điều ông làm trong suốt buổi ghi hình dường như là việc đưa các nghị sĩ trở lại với thứ hiện thực trần trụi. Như tờ Politico nhận định: “Anderson Cooper liên lục lặp lại câu nói: ‘Ngài không trả lời câu hỏi’ ”.
Nói cách khác, điều nhà báo Anderson Cooper đã làm chính xác là điều giới quyền lực thứ tư sẽ làm: nghiên cứu tỉ mỉ, đặt câu hỏi hóc búa, tấn công vào hồ sơ, trích dẫn số liệu và những nội dung từng được tuyên bố, vặn vẹo, dồn ép để có được câu trả lời người xem mong muốn. Và đó chính là một trong những yếu tố làm nên thành công của cuộc tranh luận vừa qua.
Cũng chính sự dẫn dắt của Anderson Cooper đã mở đường cho một trong những khoảnh khắc được xem là đáng nhớ nhất trong buổi tranh luận khiến cả trường quay bật dậy reo hò cổ vũ. Đó là thời điểm sau khi Thượng nghị sỹ Sanders bày tỏ quan điểm ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về việc nước Mỹ đã chán nghe về vụ bê bối thư điện tử, rằng thay vì một câu chuyện được nhai đi nhai lại nhiều lần, nước Mỹ phải nói về những vấn đề trọng tâm.
Là người cầm trịch, Anderson Cooper đối đáp với các ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ theo cách không dí dỏm như phong cách vẫn thấy trong các show truyền hình hài hước khác, nhưng đó là cách đặt vấn đề của một nhà báo để đưa ra cái nhìn chân thực nhất, và điều đó đã giúp nhà báo Anderson Cooper ghi điểm.
Kết thúc cuộc tranh luận, Anderson Cooper nhận được những "lời có cánh". Michael Scherer, phóng viên kỳ cựu của tờ Time Washington nhận xét: “Anderson Cooper tấn công mạnh bằng những câu hỏi, tìm ra những điểm yếu của các ứng viên ngay lập lức”. Còn theo bà Anne-Marie Slaughter, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, “Cooper sẽ chẳng cần dùng đến cú đấm nào tối nay”.