Kể từ ngày 16/1 vừa qua, Ấn Độ đã khởi động một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới với mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 300 triệu người trong tổng số 1,3 tỷ dân của nước này từ nay đến tháng 7/2021. Trong 3 ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm phòng, nhà chức trách đã tiêm chủng cho 381.305 người. Tuy nhiên, tại thủ đô New Delhi, chỉ có 53% người đến tiêm phòng, trong khi tỷ lệ này tại bang Tamil Nadu chỉ là 16%.
Lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Ấn Độ nhận định người dân đang muốn đợi kết quả tiêm phòng để so sánh hiệu quả giữa các loại vaccine. Số người đến tiêm sẽ tăng lên khi họ có thêm lòng tin. Để đạt được điều này, nhà chức trách sẽ phải nỗ lực giải quyết vấn đề thông tin sai lệch. Trên mạng Twitter, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan đã phải khẳng định vaccine hoạt động hiệu quả trong bối cảnh có nhiều người vẫn còn hoài nghi về độ an toàn của vaccine.
Cho đến nay, Cơ quan Quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ) cũng như vaccine Covishield của Oxford/AstraZeneca (Anh). Tối 18/1, Chính phủ Ấn Độ đã ghi nhận 2 ca tử vong sau khi tiêm phòng vaccine. Điều tra cho thấy nguyên nhân tử vong đều là do bệnh lý, chứ không phải vaccine. Sau 3 ngày tiêm phòng, đã có 580 trường hợp ghi nhận phản ứng phụ với vaccine.
Ấn Độ là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 2 trên thế giới với hơn 10,5 triệu ca nhiễm và hơn 152.000 ca tử vong.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, Bangladesh đã xác nhận vào ngày 20/1, Ấn Độ sẽ chuyển cho nước này khoảng 2 triệu liều vaccine của Oxford/AstraZeneca do Tập đoàn Serum Institute (Ấn Độ) sản xuất đến Dhaka bằng một máy bay chuyên dụng đặc biệt. Lô hàng sẽ được Đại sứ quán Ấn Độ tại Bangladesh trao cho Chính phủ Bangladesh.
Bên cạnh đó, một nước láng giềng của khác của Ấn Độ là Pakistan cũng đang tìm hiểu các lựa chọn để mua vaccine sản xuất tại Ấn Độ thông qua Liên minh toàn cầu về vaccine (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hoặc thông qua đàm phán song phương với Ấn Độ. Pakistan đã chuyển sang tìm kiếm nguồn cung cấp vaccine của Ấn Độ sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm của Pakistan (DRAP) đã phê duyệt vaccine của AstraZeneca để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Một nguồn tin tại New Delhi cho biết một trong những nhà sản xuất vaccine ở Ấn Độ trong vài tuần qua đã liên hệ với Chính phủ Pakistan về việc cung cấp vaccine.
Theo thống kê, Bangladesh có tổng cộng hơn 5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 7.900 ca tử vong, trong khi Pakistan đã ghi nhận hơn 5.000 ca mắc COVID-19 và gần 11.000 ca tử vong.