Pakistan cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm 

Ngày 18/1, Cơ quan quản lý dược phẩm Pakistan (DRAP) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc), chỉ 2 ngày sau khi vaccine do hãng AstraZeneca (Anh) và Đại học Oxford phối hợp bào chế được thông qua.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 được đặt cạnh biểu tượng của Công ty dược phẩm Trung Quốc Sinopharm, ngày 23/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

DRAP khẳng định cả 2 loại vaccine trên đều đã qua đánh giá về mức độ an toàn và chất lượng, đáp ứng các điều kiện nhất định để được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Việc cấp phép sẽ được đánh giá lại theo quý sau khi có thêm dữ liệu. Bộ Y tế Pakistan cho biết nước này cũng đang trong quá trình đàm phán với nhiều nhà sản xuất vaccine khác.

Theo Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan, nước này có thể nhận được hàng chục triệu liều vaccine theo thỏa thuận với công ty Cansino Biologics của Trung Quốc. Vaccine Ad5-nCoV của Cansino Biologics  đang tiến gần tới hoàn tất giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng tại Pakistan. Kết quả sơ bộ sẽ có vào giữa tháng 2 tới. Bộ trưởng Sultan cho biết Pakistan đang lên kế hoạch tiêm chủng miễn phí cho phần lớn người dân và cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu, bán vaccine chừng nào có đủ nguồn cung cho công ty được cấp phép.

Tính đến ngày 18/1, Pakistan có tổng cộng 521.212 ca nhiễm và gần 11.000 ca tử vong do COVID-19.

* Tại Mỹ, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã đề nghị Giám đốc điều hành hãng Pfizer Albert Bourla về việc mua trực tiếp vaccine cho bang này. Trong lá thư gửi Giám đốc Bourla, ông Cuomo cho biết với tỷ lệ nhập viện và tử vong ngày càng tăng trên khắp nước Mỹ trong mùa Đông này, New York đang phải chạy đua với dịch bệnh và có nguy cơ thất bại nếu không thể tăng liều vaccine tới tay người dân bang. Ông nhấn mạnh dù ông và 7 thống đốc khác đã kêu gọi chính quyền cấp liên bang thêm vaccine, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cũng cam kết tăng nguồn cung, song cho đến nay, cam kết này vẫn chưa được thực hiện.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil, ngày 9/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, hãng Pfizer cho biết đề nghị như vậy trước tiên sẽ cần có sự chấp thuận của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ.

Hiện chưa có bang nào ở Mỹ đặt mua trực tiếp vaccine từ nhà sản xuất. 

* Tại Mexico, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cho hay chính phủ đang nỗ lực bù đắp số vaccine của hãng Pfizer bị sụt giảm bằng các nhà cung cấp khác.

Mexico muốn nhận được khoảng 400.000 liều vaccine của Pfizer trong các lô hàng chuyển đến theo tuần. Tuy nhiên, Tổng thống Lopez Obrador nêu rõ do thỏa thuận giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Pfizer về chia sẻ số vaccine với các nước nghèo hơn, con số này giờ giảm xuống một nửa. Hiện chưa rõ tình trạng sụt giảm nguồn cung này sẽ kéo dài bao lâu.

Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine ngừa COVID-19 duy nhất đang được sử dụng tại Mexico. Trước đó, Mexico cũng đã ký thỏa thuận mua vaccine với AstraZeneca và CanSino Biologics. Mexico đã phê duyệt việc sử dụng vaccine của AstraZeneca và sẽ nhận được vaccine của hãng này vào tháng 3 tới.

* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các chuyên gia từ Viện Dược phẩm, Thực phẩm và Sức khỏe quốc gia Hungary (OGYÉI) đã tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để kiểm tra quy trình sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm. Chuyên gia của viện khẳng định quy trình sản xuất diễn ra tại một nhà máy hiện đại và trong điều kiện an toàn. Phía Hungary đã đạt được thỏa thuận đặt mua vaccine với Sinopharm, cho phép nước này tiếp nhận 1 triệu liều vaccine trong đợt hàng đầu tiên sau khi cơ quan quản lý quốc gia cho phép.

Đặng Ánh - Hồng Kỳ (TTXVN)
WHO thúc đẩy việc chia sẻ vaccine của Pfizer cho các nước nghèo
WHO thúc đẩy việc chia sẻ vaccine của Pfizer cho các nước nghèo

Ngày 18/1, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward cho biết tổ chức này đang trong các cuộc đàm phán chuyên sâu với Pfizer về việc đưa vaccine ngừa COVID-19 của hãng này vào danh mục vaccine của WHO dùng để chia sẻ cho các nước nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN