Quyết định này nhằm đảm bảo sự phối hợp suôn sẻ giữa các bộ ban ngành trong việc triển khai chương trình tiêm chủng dự kiến vào cuối tháng 2 tới.
Trước đó, ngày 7/1, Thủ tướng Yoshihide đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 tháng đối với Tokyo và 3 tỉnh lân cận, sau đó mở rộng ra 7 tỉnh khác trong tổng số 47 tỉnh trên cả nước. Theo đó, người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết và các nhà hàng được yêu cầu rút ngắn thời gian mở cửa.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan rộng trên toàn đất nước. Ngày 18/1, Nhật Bản đã phát hiện thêm 5.759 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên 331.256 người. Tổng số trường hợp tử vong vì COVID-19 cũng tăng 49 người lên 4.538. Đáng chú ý, số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch đã tăng lên 972 người. Đây là ngày thứ 14 liên tiếp số ca nguy kịch tăng lên những mức cao mới.
Trong khi đó, tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran thông báo nước này đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tiêm 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 1 này và số người nhận được vaccine ít nhất phải đạt 2,4 triệu người đến hết tháng 2.
Phát biểu trước báo giới khi tới thăm một trung tâm tiêm chủng tại thành phố Grenoble, ở phía Đông nước Pháp, ông Olivier cho biết hiện cả nước đã triển khai khoảng 800 trung tâm tiêm chủng. Ông nói: "Với kế hoạch ưu tiên đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine tại các nhà dưỡng lão, chúng tôi có thể đạt được mục tiêu 1 triệu liều vào cuối tháng này".
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, kể từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vào ngày 26/12/2020, đến nay Pháp đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 422.000 người. Tuy nhiên con số trên vẫn thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu khác như Anh, quốc gia đã có tới 3,2 triệu người được tiêm mũi đầu tiên.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova thông báo nước này dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 20 triệu người trong quý I năm nay. Bà Golikova cho biết Nga đã đăng ký 2 loại vaccine ngừa COVID-19 và dự kiến sẽ thông qua loại thứ ba vào ngày 16/2 tới.
Tại Nam Mỹ, Bộ trưởng Y tế Brazil cho biết chính phủ liên bang sẽ phân phối toàn bộ số vaccine đã đặt mua cho các bang trong cả nước. Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Brazil bắt đầu ngay trong ngày hôm nay (18/1). Trước đó, các bang đã đề nghị chính phủ phân phối hết số vaccine sẵn có và cũng là loại duy nhất mua của hãng dược phẩm Sinovac Biotech của Trung Quốc.
Riêng tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hãng hàng không Emirate của nước này thông báo bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên của hãng với ưu tiên hàng đầu là các vị trí tuyến đầu như phi hành đoàn, phi công...
Tập đoàn hàng không trên cho biết hiện có đủ số lượng vaccine Pfizer/BioNtech do Mỹ và Đức phối hợp bào chế và một loại vaccine khác của Tập đoàn dược phẩm quốc gia (Sinopharm) của Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu cho toàn bộ nhân viên của hãng.