Theo đài RT ngày 8/9, chỉ trong 9 năm, Ấn Độ đã cung cấp tài khoản ngân hàng cơ bản, hay còn gọi là ‘Jan Dhan’, cho 509 triệu người. Đây là một thành tích đáng kinh ngạc.
Theo một bài nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, một quốc gia muốn đạt quy mô tài chính toàn diện này thường phải mất 47 năm.
Nhân kỷ niệm thành tựu này, Ấn Độ cũng bắt tay vào một dự án đầy tham vọng không kém: Mạng lưới Hỗ trợ Tín dụng Mở (OCEN), nhằm cung cấp vốn lưu động ngắn hạn, không có bảo đảm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù chiếm gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, nhưng những doanh nghiệp nhỏ này gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng và do đó buộc phải dựa vào các nguồn vốn cho vay nặng lãi.
Điều đáng chú ý là cả hai sáng kiến này đều dựa trên sử dụng đường ray kỹ thuật số công cộng, trong đó cả khu vực công và tư nhân đều có thể đổi mới dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật số này. Đây chính là nền kinh tế kỹ thuật số mở. Về cơ bản, đây là những lĩnh vực kỹ thuật số có khả năng tương tác, có các chức năng chính như nhận dạng và thanh toán. Các lĩnh vực này có thể được kết hợp để đảm bảo lợi ích công ở quy mô mà Ấn Độ đã đạt được trong thập kỷ qua.
Hành trình số
Thành công của Ấn Độ trong giúp người dân tiếp cận hệ thống tài chính trên quy mô lớn đều dựa trên nền tảng của dự án nhận dạng độc đáo của Ấn Độ là Aadhaar - Hàng hóa Công cộng Kỹ thuật số (DPG) đầu tiên của Ấn Độ. Dự án này được triển khai vào năm 2009 và giải quyết được thách thức tạo danh tính kỹ thuật số cho 1,3 tỷ người Ấn Độ.
Đây chính là lý do 80% người trưởng thành ở Ấn Độ ngày nay có tài khoản ngân hàng. Trong 9 năm, quốc gia này đã từ vị trí là nước có nhiều người không có tài khoản ngân hàng nhất trở thành nước có tỷ lệ người có tài khoản ngân hàng cao nhất.
Tại cuộc họp của các bộ trưởng kỹ thuật số G20 tại Bangalore hồi giữa tháng 8, 100% các bộ trưởng nhất trí phê chuẩn sáng kiến của Tổng thống Ấn Độ về việc sử dụng DPG trên toàn cầu để cung cấp hàng hóa công trên quy mô lớn.
Trong thực tế, vấn đề tài chính toàn diện đã nằm trong chương trình nghị sự của G20 từ lâu. Chỉ là khuôn khổ DPG được áp dụng thành công ở Ấn Độ đã được chấp nhận làm khuôn mẫu để triển khai ở các quốc gia khác.
Với thành tựu này, Ấn Độ đã để lại di sản của mình cho vị trí Chủ tịch G20, hiện được chuyển cho Brazil. Lợi ích cộng thêm cho Ấn Độ là khả năng quyền lực mềm này là một công cụ nữa của chính sách đối ngoại.
Câu chuyện đổi mới kỹ thuật số ở Ấn Độ
Sự công nhận toàn cầu này tại diễn đàn G20 là kết quả của một loạt sáng kiến được Ấn Độ âm thầm thực hiện trong vài năm qua nhằm mở rộng nhóm toàn cầu ủng hộ DPG.
Câu chuyện đổi mới kỹ thuật số của Ấn Độ bắt đầu bằng Aadhaar. Đây là DPG đầu tiên của Ấn Độ và dựa trên các giao thức mở, đảm bảo khả năng tương tác. Do đó, khi thiết lập DPG thanh toán trong Giao diện Thanh toán Hợp nhất (UPI), nó có thể được kết hợp với Aadhaar để giải quyết chức năng chính của ngân hàng: Xác minh danh tính (KYC). Vì có thể xác minh danh tính bằng điện tử nên đã mở ra cơ hội đổi mới ngành công nghệ tài chính chưa từng có.
Trước khi có UPI, ví điện tử do các công ty công nghệ tài chính cung cấp thường hoạt động giống như những khu vườn có tường bao quanh, trong đó các nền tảng hạn chế quyền truy cập của người dùng để tạo dựng thế độc quyền. Nhưng với giao diện UPI, các ví và ngân hàng có thể giao tiếp với nhau bằng cách sử dụng danh tính UPI duy nhất được cung cấp cho mọi người dùng.
Số giao dịch UPI đã đạt 10 tỷ vào tháng 8 năm nay và trong số này, hơn 2/3 là giao dịch với số tiền dưới 500 rupee (khoảng 6 USD).
Không chỉ thế, UPI mở ra cơ hội cho đổi mới chính sách công khác, trong đó UPI được kết hợp với tài khoản ngân hàng và số điện thoại di động của một cá nhân để tạo ra “GPS kinh tế”. Điều này giúp chính phủ thuận lợi trong chi tiêu phúc lợi xã hội, tiết kiệm cho kiểm toán viên quốc gia 3.000 tỷ rupee (36 tỷ USD).
Khi Ấn Độ phải phỏng tỏa do COVID-19 bùng phát, chính phủ đã có thể chuyển tiền trực tiếp cho trên 100 triệu người thụ hưởng thuộc nhóm nghèo nhất. Khung DPG này cũng đã được triển khai để cung cấp kỷ lục 2,2 tỷ liều vaccine COVID-19 một cách suôn sẻ.
Câu chuyện của Ấn Độ cho đến nay đã chứng minh cho thế giới thấy rằng DPG có thể được sử dụng để đạt được lợi ích công trên quy mô lớn. Điều này là nhờ loại bỏ khâu trung gian và thể hiện tính minh bạch, từ đó tạo điều kiện cho các giao dịch suôn sẻ, thúc đẩy năng suất và giảm thiểu tham nhũng.
Từ hội nghị G20, dấu ấn toàn cầu của các DPG sẽ mở rộng, đặc biệt là ở miền khu vực Nam bán cầu (Global South) - nơi vẫn chưa khắc phục được những trở ngại của tình trạng kém phát triển.