Ấn Độ: Các thương hiệu đồ ăn nhanh phải 'chia tay' cà chua do giá tăng vọt

Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Burger King của Mỹ đã bỏ cà chua ra khỏi các món bánh mì kẹp tại nhiều cửa hàng của mình ở Ấn Độ sau khi giá loại quả này tăng gấp hơn 4 lần. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy giá thực phẩm tăng đang ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

Chú thích ảnh
Cà chua được bày bán tại khu chợ ở Amritsar, Ấn Độ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Thông báo được dán tại hai cửa hàng Burger King ở Ấn Độ giải thích một cách hài hước về lý do thiếu cà chua khi nói rằng loại thực phẩm này cũng cần "một kỳ nghỉ" để có thời gian phục hồi đảm bảo chất lượng.

Burger King, một trong những chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn nhất ở Ấn Độ với gần 400 cửa hàng, đã cùng với nhiều cửa hàng của các thương hiệu thức ăn nhanh khác như McDonald's và Subway đồng loạt loại cà chua ra khỏi thực đơn trong bối cảnh giá thực phẩm tại quốc gia Nam Á này tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Burger King thậm chí còn bỏ những lát phô mai mỏng miễn phí mà hãng đã cung cấp trong nhiều năm.

Trong khi đó, đối thủ của Burger King là Domino's đang nỗ lực giảm giá để thu hút người tiêu dùng với việc tung ra chiếc bánh pizza có giá vỏn vẹn 0,6 USD - cũng là sản phẩm rẻ nhất thế giới của mình. 

Cuộc khủng hoảng nguồn cung cà chua diễn ra đồng thời với việc giá của mặt hàng tăng tới 450% lên mức cao kỷ lục do ảnh hưởng của thời tiết. Số liệu lạm phát trong tháng 7 cho thấy giá rau, củ quả tại Ấn Độ đã tăng 37% trong 1 năm qua. Giá của các mặt hàng chủ lực từ hành và đậu Hà Lan cho đến tỏi và gừng đều tăng.

Nhà nghiên cứu Ammish Aggarwal thuộc tổ chức dịch vụ tài chính Prabhudas Lilladher của Ấn Độ nhận định các nhà hàng cuối cùng sẽ buộc phải tăng giá nếu giá thực phẩm vẫn cao. 

Để giải quyết cuộc khủng hoảng nguồn cung, Ấn Độ đã bắt đầu nhập khẩu cà chua từ Nepal và triển khai các xe tải để phân phối mặt hàng thiết yếu này với mức giá rẻ hơn trên toàn quốc.

Thúc Anh (TTXVN)
Trung Quốc kỳ vọng tiêu dùng nội địa trở thành trụ cột mới của kinh tế
Trung Quốc kỳ vọng tiêu dùng nội địa trở thành trụ cột mới của kinh tế

Trong nhiều thập niên, xuất khẩu, bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng là ba trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế Trung Quốc. Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng thiết lập một trụ cột khác là tiêu thụ nội địa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN