Airbus bước vào kỷ nguyên mới với tân CEO

Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu chào đón Giám đốc điều hành (CEO) mới, ông Guillaume Faury, trong bối cảnh hãng này có nguy cơ phải đối mặt với nhiều khó khăn nảy sinh từ tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) bế tắc hay Mỹ áp thuế nhập khẩu và cuộc điều tra tham nhũng.

Chú thích ảnh
Giám đốc điều hành (CEO) mới của Airbus, ông Guillaume Faury. Ảnh: rte.ie

Ông  Faury, 51 tuổi, người Pháp, sẽ đảm nhận cương vị CEO của Airbus thay ông Tom Enders, người vừa từ chức sau 5 năm lãnh đạo tập đoàn này. Trên cương vị mới, ông Faury sẽ thừa hưởng một Airbus đang "ăn nên làm ra" với các đơn đặt hàng lên tới 7.350 máy bay thương mại, đủ để các nhà máy của hãng này hoạt động trong 10 năm với công suất hiện như hiện nay. Ông Faury bắt đầu sự nghiệp tại  Bộ Quốc phòng Pháp, sau đó chuyển sang phụ trách bộ phận sản xuất trực thăng của Airbus hồi năm 1998. Đến năm 2009, ông thôi việc tại Airbus và chuyển sang hãng chế tạo ôtô Peugeot. Sau 4 năm làm việc tại hãng xe hơi, ông Faury quay trở lại Airbus. 

Tuy nhiên, tân CEO của Airbus sẽ phải đối mặt không ít khó khăn trong thời gian tới, trước tiên là Brexit. Tác động tiêu cực của tiến trình này có thể phá vỡ chuỗi cung ứng máy báy, linh kiện máy bay và vệ tinh vốn trải khắp châu Âu. Chuyên gia phân tích hàng không Howard Wheeldon (Hâu-uốt Oen-đơn) nhận định Brexit có thể buộc Airbus phải cân nhắc lại chiến lược sản xuất trong dài hạn và đưa ra những quyết định "dũng cảm" trong trường hợp xảy ra kịch bản Brexit "cứng". 

Ngoài ra, không thể bỏ qua việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế với một số hàng hóa của EU, trong đó có máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay, nhằm đáp trả các khoản trợ cấp của châu Âu trong lĩnh vực chế tạo máy bay mà Mỹ ước tính gây thiệt hại hơn 11 tỷ USD cho nước này. Các quyết định áp thuế được cho sẽ khơi mào cho cuộc tranh cãi thương mại mới giữa hai bờ Đại Tây Dương. 

Không chỉ vậy, việc các nhà chức trách Pháp, Anh và Mỹ đang mở cuộc điều tra nghi vấn Airbus hối lộ các quan chức để giành nhiều hợp đồng trong giai đoạn 2008 - 2013 ít nhiều tác động tới uy tín và hoạt động của tập đoàn. Trong trường hợp xấu nhất, không loại trừ nguy cơ Airbus bị phạt hoặc thậm chí truy tố. 

Airbus là nhà cung cấp vũ khí và máy bay chiến đấu cũng như các vệ tinh dẫn đường và liên lạc cho nhiều quốc gia châu Âu. Năm 2017, hãng đạt tổng doanh thu lên tới 59 tỷ euro (68 tỷ USD). Ngoài ra, Airbus cũng cung cấp nhiều dịch vụ an ninh mạng cho các mạng lưới và cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chính phủ Pháp.

Thanh Hương (TTXVN)
Châu Âu lên tiếng về việc Mỹ áp thuế trả đũa liên quan Airbus
Châu Âu lên tiếng về việc Mỹ áp thuế trả đũa liên quan Airbus

Ngày 9/4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) "không được phép" để xảy ra một cuộc tranh cãi mới liên quan tới Airbus, hãng chế tạo máy bay của châu Âu bị Washington cáo buộc nhận hàng triệu euro trợ cấp không công bằng từ chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN