Phát biểu họp báo tại thủ đô Paris, Bộ trưởng Le Maire nói: "Khi tôi nhìn vào tình hình tăng trưởng toàn cầu, tôi không thể tin rằng chúng ta có thể cho phép xảy ra một cuộc tranh cãi thương mại, thậm chí trong lĩnh vực căn bản như hàng không giữa Mỹ và châu Âu".
Cùng ngày, EU cho rằng tổng giá trị các biện pháp thuế đáp trả lên tới 11,2 tỷ USD - cũng chính là giá trị các khoản trợ cấp EU dành cho Airbus (theo ước tính của Mỹ) - mà Washington đòi áp đặt đối với một loạt hàng hóa của EU là quá cao. Một nguồn tin Ủy ban châu Âu cho rằng con số trên chỉ là tính toán của riêng Mỹ và không được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xác nhận. Nguồn tin cho biết EU đang chuẩn bị cho các biện pháp đáp trả.
Trước đó, Văn phòng Thương mại Mỹ (USTR) ngày 8/4 đã công bố một danh sách hàng hóa của EU - từ máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay cho tới các sản phẩm sữa và rượu vang - sẽ bị đánh thuế bổ sung. Với động thái trên, USTR cho biết cơ quan này khởi động quy trình đáp trả các trợ cấp của châu Âu trong lĩnh vực chế tạo máy bay mà Mỹ ước tính gây thiệt hại hơn 11 tỷ USD đối với nước này.
EU và Mỹ đã tranh cãi hơn 10 năm qua trong lĩnh vực này. Hai bên cáo buộc lẫn nhau trợ cấp trái quy định cho các hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing, theo đó hai bên cùng khiếu nại tại WTO. EU và Mỹ đều được cho là đã trợ cấp hàng tỷ USD cho hai hãng này để giành lợi thế trên thị trường máy bay toàn cầu.
Mỹ ước tính tổng giá trị các khoản trợ cấp của EU lên tới 11,2 tỷ USD, song EU bác bỏ. USTR cho biết cơ quan này sẽ công bố danh sách cuối cùng các mặt hàng của EU bị đánh thuế bổ sung sau khi WTO đưa ra quyết định đối với khuyến nghị của Mỹ. Dự kết, kết quả sẽ được công bố vào mùa Hè năm nay.
Phản ứng trước động thái trên, hãng Airbus khẳng định không có cơ sở pháp lý nào để Mỹ tiến hành áp đặt trừng phạt thương mại đối với máy bay của hãng, đồng thời cảnh báo nguy cơ xung đột thương mại đang ngày càng lớn.
Người phát ngôn của Airbus Rainer Ohler khẳng định hãng này đã thực hiện các biện pháp nhằm tuân thủ các quy định của WTO và con số 11 tỷ USD mà Mỹ đưa ra là phóng đại. Theo Airbus, số tiền này nên do WTO tính toán chứ không phải Mỹ. Theo người phát ngôn của Airbus, tất cả những điều này đang dẫn đến căng thẳng thương mại và giải pháp phù hợp duy nhất trong cuộc tranh cãi dai dẳng này là một sự dàn xếp.
Về phần mình Boeing khẳng định luôn ủng hộ sự tuân thủ của Mỹ đối với các phán quyết của WTO và đây là thời điểm để EU chấm mọi trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus.