Cuộc khảo sát cho thấy tính đến tháng 7, có 98,5% dân số Indonesia đã có kháng thể phòng chống COVID-19, tăng so với khoảng 88% dân số trong một nghiên cứu phát hiện vào tháng 12/2021.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 11/8, một trong những nhà nghiên cứu tham gia khảo sát, Iwan Ariawan cho biết người dân Indonesia có những kháng thể này nhờ tiêm chủng, mắc bệnh hoặc cả hai. Con số này cũng phù hợp với mức độ bao phủ tiêm chủng gia tăng, trong đó có tiêm các mũi vaccine tăng cường từ ngày 12/1.
Theo ông Iwan, việc tuân thủ quy định phòng chống dịch đóng vai trò rất quan trọng bởi tỉ lệ dân số có kháng thể tăng không đảm bảo rằng họ sẽ không mắc bệnh nữa, mà chỉ làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc tử vong do COVID-19.
Cuộc khảo sát được thực hiện đối với trên 17.000 người ở 100 khu vực ở Indonesia bằng hình thức trả lời bảng câu hỏi và xét nghiệm máu.
* Trong khi đó, Malaysia, nước láng giềng của Indonesia, đang khuyến khích người dân tiêm mũi vaccine tăng cường thứ 2.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết bộ đang nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ông cũng bày tỏ hy vọng các bác sĩ sẽ tiếp tục khuyến khích những bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn hoặc có nguy cơ cao mắc COVID-19 tiêm mũi tăng cường thứ hai.
Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, tính đến hết tháng 7, 5% số người dân ở nước này từ 70 - 79 tuổi đã tiêm nhắc lại lần thứ 2 trong khi con số này chỉ là 4,5% ở những người từ 80 tuổi trở lên. Bộ trưởng Jamaluddin cho biết con số này vẫn còn khá thấp và bộ sẽ khuyến nghị và khuyến khích những người trên 50 tuổi và có vấn đề về sức khỏe nên thực hiện mũi tiêm thứ hai.