Khảo sát do hãng Ipsos thực hiện với sự tham gia của 25.000 người dùng Internet thuộc 25 quốc gia. Theo đó, Mỹ đứng đầu trong số các nước ghi nhận tình trạng phát tán "tin giả", tiếp theo là Nga và Trung Quốc.
Những người tham gia khảo sát cho biết thêm "tin giả" xuất hiện nhiều nhất trên mạng xã hội Facebook, tiếp đó là một số nền tảng khác như YouTube, Twitter và các trang blog.
Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ người dùng Internet ở Ai Cập là "cả tin" nhất trong khi người Pakistan có thái độ "ngờ vực" nhất khi dùng Internet.
Khảo sát cũng cảnh báo sự tin tưởng giảm sút của người sử dụng Internet đối với các công ty quản lý mạng xã hội và mối quan ngại ngày càng tăng về vấn đề bảo mật trực tuyến.
Những người tham gia khảo sát đều bày tỏ mong muốn chính phủ và các công ty quản lý mạng xã hội có biện pháp ngăn chặn tình trạng "tin giả" tràn lan, vốn khiến lòng tin của người dùng Internet giảm sút, tác động tiêu cực đến kinh tế cũng như chính trị của các nước.
Khảo sát trên được thực hiện thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp và qua trực tuyến, từ ngày 21/12/2018 đến ngày 10/2/2019, trên danh nghĩa của Trung tâm đổi mới quản trị quốc tế (CIGI).