Người dân đến làm thủ tục hành chính tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến. Tiếp đến là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường... Đứng cuối bảng xếp hạng là Bộ Công Thương, Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phân theo các mức tốt (chỉ số đạt từ 0,8 trở lên), khá (chỉ số đạt từ 0,65 đến dưới 0,8) và trung bình (chỉ số đạt dưới 0,65).
Ở hạng mục Cơ quan thuộc chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng chính phủ điện tử. Tiếp đến là Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam…
Ở hạng mục tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Huế là đơn vị đi đầu cả nước trong việc triển khai chính phủ điện tử. Tiếp sau đó và Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng. Hiện nay, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh, thành phố chưa cao và còn khoảng cách khá lớn giữa các tỉnh trong việc phát triển chính phủ điện tử.
Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cả ba nhóm chỉ số cơ bản của hệ thống Chính phủ điện tử là số lượng dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực trong thời gian qua đều đã được nâng lên. Hiện tổng cộng đã có thêm 13.909 dịch vụ cấp độ 3 và 4 được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương xây dựng, vận hành. Như vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp tổng cộng 1.551 dịch vụ công trực tuyến. Tại các địa phương, con số này là 45.374 dịch vụ.
Chỉ số hạ tầng viễn thông cũng có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ người dùng internet chiếm 54,2% dân số Việt Nam, mật độ thuê bao cố định là 4,9 thuê bao/100 dân, mật độ thuê bao di động là 129 thuê bao/100 dân, thuê bao băng thông rộng cố định là 12 thuê bao/100 dân, thuê bao băng rộng di động là 48,4/100 dân.
Theo Sách trắng về công nghệ thông tin và truyền thông do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương hoạt động rất hiệu quả, tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ rất lớn. Tiêu biểu trong số này là Bộ Công An (8,8 triệu hồ sơ), Bộ Công Thương (772.000 hồ sơ), Bộ Giáo dục và Đào tạo (270.000 hồ sơ), Bộ Giao thông Vận tải (144.000 hồ sơ), thành phố Hà Nội (225.173 hồ sơ), tỉnh Lâm Đồng (110.000 hồ sơ)...