Phát triển mạnh công nghệ thông tin làm cơ sở triển khai Chính phủ điện tử

Thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế cũng như tăng cường nhận thức, các biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin; đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, nâng cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước... là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thông tin truyền thông nỗ lực thực hiện trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã có những trao đổi với phóng viên báo chí để làm rõ hơn về những trọng tâm này của ngành thông tin truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: An Đăng/TTXVn

Năm 2017, đứng trước cơ hội cũng như thách thức lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để có thể đột phá với khát vọng đưa Việt Nam vươn lên một tầm cao mới trên thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng chiến lược đối với lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Trong năm 2017, toàn ngành thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Đối với lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, định hướng trọng tâm trong năm nay là: Phát triển thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Quản lý chặt chẽ thuê bao di động trả trước, đảm bảo giá cả cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tốt, thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dịch vụ 4G, tăng cường hoạt động kinh doanh dịch vụ nội dung đa dạng trên môi trường mạng đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong toàn xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế cũng như tăng cường nhận thức và các biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin. Đẩy mạnh triển khai chính phủ điện tử, nâng cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao hơn nữa tính chủ động, hiệu quả và tính cực trong công tác quản lý nhà nước.

Để làm được điều đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được triển khai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Con người luôn là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học công nghệ và đặc biệt trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Để đón bắt được cơ hội đột phá từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, từ nay đến năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Đây là một nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của Ngành với mục tiêu không chỉ tập trung vào số lượng mà còn đảm bảo được chất lượng chuyên môn, và đặc biệt phải có các kỹ năng mềm cần thiết và khả năng ngoại ngữ tốt để có thể hội nhập sâu hơn với thị trường công nghệ toàn cầu.

Trong năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để việc đào tạo nguồn nhân lực Viễn thông, công nghệ thông tin sát với nhu cầu thị trường và xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới, gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động và nhu cầu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin.

Bên cạnh nguồn nhân lực, theo Bộ trưởng việc hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ khởi nghiệp cũng cần được quan tâm?

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành của Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ nghiên cứu phương án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua công tác truyền thông để nâng cao hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp, tạo sự thuận lợi trong việc kêu gọi, thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức trong nước và quốc tế.

Để phát huy tinh thần khởi nghiệp trong chính nội tại các doanh nghiệp, thay bằng việc đưa ra các khẩu hiệu chung chung mang tính hình thức, Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông triển khai bằng việc đưa ra các biện pháp cụ thể, có những không gian sáng tạo với cơ chế linh hoạt và ngân sách đầu tư thích hợp để ứng dụng các sáng kiến vào thực tế quản lý, phát triển sản phẩm, dịch vụ kinh doanh cũng như khởi tạo những sản phẩm có tính đột phá, đặc biệt các sản phẩm có tính mở với phạm vi ứng dụng trên toàn cầu.

Việt Nam đang tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực của cơ quan hành chính nhà nước, với vai trò là một trong những cơ quan chủ chốt trong việc phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, Bộ sẽ làm gì để thúc đẩy việc thực hiện chủ trương này?

Trong thời gian tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng các chính sách để phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông trong nước, đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Ngay trong năm 2017, Bộ quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Bộ sẽ có những giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương theo Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; tổ chức đánh giá và công bố xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước.

Bộ cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và toàn bộ nền kinh tế, trong đó ưu tiên triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nguồn lực phát triển đất nước.

Internet đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của đại đa số người dân trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, xin Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giao dịch điện tử qua mạng?

Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ này việc sử dụng các dịch vụ, tiện ích về giao dịch điện tử để đáp ứng các nhu cầu thiết thực hàng ngày của xã hội đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Điều đó đã khiến cho giao dịch điện tử trở nên phổ biến trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Hiện nay, ước tính có trên 1.300 lĩnh vực ứng dụng giao dịch điện tử, các hình thức giao dịch điện tử rất phong phú bao gồm: gửi thư, văn bản điện tử, trao đổi dữ liệu điện tử, thanh toán điện tử, thương mại điện tử…


Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, sự phát triển của các loại hình giao dịch điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế đặc biệt là vấn đề xác thực, bảo mật trong giao dịch điện tử. Đây là một yếu tố quan trọng bậc nhất, quyết định sự thành công của giao dịch điện tử ở Việt Nam. Để có thể giải quyết được vấn đề này, công tác chứng thực điện tử đóng một vai trò vô cùng quan trọng để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động về giao dịch điện tử.

Với nhu cầu cần thiết phải thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ điện tử, thương mại điện tử, năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành sửa đổi Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động này.

Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan có những biện pháp để thúc đẩy việc triển khai mạnh mẽ dịch vụ chứng thực điện tử trong xã hội, góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Từ đó làm cơ sở để có thể triển khai các giao dịch điện tử trong quản lý nhà nước như Chính phủ điện tử, Hải quan điện tử, hay trong các dịch vụ phục vụ cho toàn thể xã hội trong cung cấp dịch vụ y tế, đào tạo, tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử...

Như vậy chúng ta lại cần tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, thưa Bộ trưởng?

An toàn thông tin luôn là chủ đề nóng và được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm bởi tính quyết định của vấn đề đối với sự phát triển bền vững của ngành viễn thông - công nghệ thông tin. Trong năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố và tạo sức bật cho các công tác đảm bảo an toàn thông tin trong thời gian tới. Công tác đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng chủ động phản ứng với sự cố, hỗ trợ rà soát các điểm yếu an toàn thông tin trong các hệ thống thông tin hay đầu tư giải pháp trọng điểm về phát hiện và phòng chống các nguy cơ tấn công sẽ được tiếp tục quan tâm và triển khai mạnh mẽ.

Từ những bài học về an toàn thông tin tại các nước tiên tiến hàng đầu trên thế giới thì việc chỉ tập trung đầu tư các giải pháp công nghệ là chưa đủ mà phải đẩy mạnh đầu tư các yếu tố con người như nâng cao nhận thức, kỹ năng và tầm nhìn quản lý an toàn thông tin. Lực lượng nhân lực an toàn thông tin phải mạnh thì mới có thể vận hành hiệu quả các hệ thống kỹ thuật hiện đại và từng bước cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ an toàn thông tin thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Mỹ Bình (Thực hiện)
Việt Nam xếp hạng 89/193 về chính phủ điện tử
Việt Nam xếp hạng 89/193 về chính phủ điện tử

Xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam có thể cải thiện mạnh mẽ hơn nếu các bộ, ngành rà soát, chấn chỉnh lại đầu mối, phương thức cung cấp thông tin, đồng bộ hóa dữ liệu, tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN