Theo phóng viên TTXVN tại New York, tính trung bình, một ngày có 6 người thiệt mạng trên biển, khiến cho năm 2018 trở thành năm tồi tệ nhất đối với hành trình vượt biển của người tị nạn. Xu thế này diễn ra trong bối cảnh châu Âu ghi nhận số lượng người tị nạn, di cư thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, với khoảng 139.000 người, chủ yếu là tại Tây Ban Nha (65.400 người), Hy Lạp (50.500 người) và Italy (23.400 người).
Về nguyên nhân, báo cáo của UNHCR cho biết những thay đổi về chính sách của một số nước Nam Âu trong năm 2018 đã gây ra nhiều sự vụ khiến người di cư bị mắc kẹt trên biển dài ngày, do tàu thuyền chở họ không được cấp phép cập cảng. Hoạt động của đội thuyền và thuyền viên cứu hộ tình nguyện cũng bị hạn chế nhiều. Chỉ tính riêng tuyến đường biển từ Libya tới châu Âu, cứ 14 người tới được châu Âu thì có 1 người thiệt mạng trên biển, tăng mạnh so với tỉ lệ 1/38 trong năm 2017.
Ông Filippo Grandi, Cao ủy UNHCR cho rằng, bảo vệ mạng sống của con người trên biển không phải là lựa chọn thích hay không, không phải là vấn đề chính trị, mà là quy tắc lâu đời. Theo ông, thế giới có thể chấm dứt những thảm kịch như vậy nếu có đủ dũng khí và tầm nhìn, thực thi cách tiếp cận dài hạn dựa trên hợp tác khu vực theo hướng lấy mạng sống và nhân phẩm con người làm trung tâm.
Theo UNHCR, đặt chân tới châu Âu là điểm dừng cuối cùng trong hành trình đầy ác mộng của người di cư, khi họ phải đối diện với tình cảnh bị tra tấn, cưỡng bức, tấn công tình dục hay nguy cơ bị bắt cóc để tống tiền. Vì vậy, các nước cần hợp tác chặt chẽ để đánh sập các mạng lưới buôn người, đưa những kẻ vi phạm ra trừng trị trước pháp luật.