Theo trang tin Euronews ngày 6/10, chỉ sau ba tháng nộp đơn, 28 trong số 30 quốc gia NATO đã phê chuẩn tư cách thành viên cho Phần Lan và Thụy Điển; trong khi 24 quốc gia đã gửi hồ sơ đến Washington.
Nhưng có hai rào cản mà các nước Bắc Âu trên cần phải vượt qua: Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cho biết người đồng cấp Hungary đã đề nghị Quốc hội nước này hành phê chuẩn và đảm bảo với Phần Lan không có sự phản đối nào đối với sự gia nhập của Phần Lan hoặc Thụy Điển.
Một vài tuần trước đó vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Phát triển Khu vực của Hungary (và cựu Ủy viên EU) Tibor Navracsics đã đến thăm Helsinki và nói với các nghị sĩ Phần Lan rằng Budapest sẽ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của họ ngay lập tức.
"Hungary ủng hộ việc Phần Lan trở thành thành viên NATO, nhưng quá trình phê chuẩn trong Quốc hội Hungary vẫn đang được tiến hành", một thông cáo báo chí của Chính phủ Phần Lan lưu ý vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, trong tuần này, các chính trị gia thuộc đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Viktor Orbán đã chặn việc đưa ra một kiến nghị tại quốc hội mà lẽ ra sẽ đẩy nhanh cuộc bỏ phiếu về quá trình gia nhập NATO cho cả Phần Lan và Thụy Điển.
Bertalan Tóth, nghị sĩ Hungary, người đã nỗ lực đưa ra kiến nghị trên, cho biết: “Đây là một quyết định không thể hiểu được và không hợp lý".
"Phần Lan và Thụy Điển là những đối tác cam kết của NATO, đã tham gia vào chương trình Đối tác vì Hòa bình của Liên minh từ năm 1994, đồng thời đã và đang đóng một vai trò tích cực trong các hoạt động hỗ trợ hòa bình do NATO dẫn đầu trong quá khứ và hiện tại", ông Tóth nói thêm.
Về lý thuyết, cuộc thảo luận về tiến trình gia nhập NATO vẫn nằm trong lịch trình của Quốc hội Hungary. Tuy nhiên, vẫn chưa có thời điểm cụ thể nào được ấn định.
Đằng sau hậu trường, sẽ có sự thất vọng nhất định của các quan chức ở Helsinki và Stockholm, vì cho rằng họ đã đi quá xa và quá nhanh về tư cách thành viên NATO, nhưng lại bị chặn ở bước cuối cùng.
Minna Ålander, một nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan ở Helsinki nhận định: “Phần Lan có thể không làm được gì nhiều về vấn đề này. Có thể đảng Fidesz sẽ liên kết giữa tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển với đề xuất gần đây của ủy ban EU nhằm đóng băng quỹ cho Hungary do những lo ngại về pháp quyền”.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, lý do trì hoãn tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển phức tạp hơn trường hợp của Hungary.
Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu đã ra hiệu rằng họ ủng hộ việc gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu: trong một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Sauli Niinistö vào đầu tháng 4, Phần Lan đã nhận được sự đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ vấn đề nào xảy ra.
Nhưng chỉ một tháng sau, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi, đưa ra một danh sách lý do tại sao hai quốc gia Bắc Âu không thể gia nhập NATO, bao gồm cả việc được cho là ủng hộ các nhóm mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Trong giai đoạn chuẩn bị diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào cuối tháng 6, và sau một số hoạt động ngoại giao khép kín mạnh mẽ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận hỗ trợ tư cách thành viên - bao gồm thiết lập các cuộc đàm phán ba bên để giải quyết những điểm còn vướng mắc.
Những cuộc thảo luận đó đã bắt đầu ở Phần Lan vào tháng 8 và dự kiến sẽ tiếp tục vào mùa Thu, nhưng vào đầu tháng này, ông Erdogan đã dừng lại việc phê duyệt hồ sơ gia nhập.
Tại buổi họp khai mạc quốc hội ở Ankara vào ngày 1/10, ông Erdogan cho biết nếu Phần Lan và Thụy Điển không thực hiện "những lời hứa" mà họ đã đưa ra với Thổ Nhĩ Kỳ về an ninh và chống khủng bố, thì Ankara sẽ chặn hồ sơ đăng ký thành viên của họ.
Ông Erdogan nói: “Chúng tôi sẽ duy trì lập trường nguyên tắc và kiên quyết của mình về vấn đề này cho đến khi những lời hứa với chúng tôi được thực hiện".
"Về mặt chính thức, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể ủng hộ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển, nhưng cuối cùng thì ông Erdogan mới là người quyết định", Paul Levin, Giám đốc. của Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm nói.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang hy vọng được "bật đèn xanh" để mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ - và họ có thể đang tìm cách sử dụng quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển như một cách để gây áp lực buộc Washington phải nhượng bộ. Một chỉ huy quân sự cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nếu có không có thỏa thuận F-16, thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua máy bay chiến đấu mới từ Nga.
Toni Alaranta, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan nhận định: “Các lợi ích chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tách rời khỏi phần còn lại của NATO", nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ chấp thuận tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển, chỉ là "vấn đề thời gian và đòn bẩy".