Đảng cầm quyền Hungary phản đối đề nghị thông qua việc gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển

Các đại diện của đảng cầm quyền ở Hungary đã bỏ phiếu phản đối việc nước này phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Chú thích ảnh
Cho đến nay Quốc hội Hungary vẫn chưa ấn định thời điểm bỏ phiếu về tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Ảnh: Hungarytoday.hu

Theo trang tin Telex.hu (Hungary), Fidesz- đảng cầm quyền tại Hungary - đã bỏ phiếu với đa số phản đối đề xuất của Đảng Xã hội Hungary (MSZP) nhằm ấn định ngày 4/10 là thời điểm Quốc hội nước này thông qua tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Ngoài Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn việc hai nước gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu.

Vào tháng 7, Péter Szijjártó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary đã đệ trình lên Quốc hội nước này các dự luật về đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, Quốc hội Hungary vẫn chưa đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự cho đến nay. 

Đại diện truyền thông của Quốc hội Hungary trước đó nói rằng "cuộc bỏ phiếu về việc gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu trên được đưa vào chương trình nghị sự mùa Thu- bắt đầu vào ngày 26/9 - nhưng không cho biết chính xác khi nào sẽ diễn ra”. 

Theo nhật báo Hungary, Chính phủ nước này hiện không tuyên bố rõ rằng họ có thể ngăn cản sự gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Các cuộc họp mùa Thu của Quốc hội Hungary cũng vừa mới diễn ra được hơn 1 tuần nhưng chính quyền nước này dường như không có kế hoạch lấy đề xuất của MSZP làm cơ sở cho thời gian của cuộc bỏ phiếu. Đó cũng có thể là một tín hiệu chính trị tinh tế, khi các lực lượng chính trị hàng đầu của Thụy Điển và Phần Lan thường xuyên bỏ phiếu chống lại Hungary trong các thể chế của EU.

Vào cuối tháng 6, trước hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, đã có thông báo rằng tất cả các nước thành viên đã đồng ý để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Để hoàn thiện quy trình, không chỉ lãnh đạo các quốc gia phải đồng ý mà quốc hội các nước cũng phải ký vào các đạo luật liên quan. Đa số các nước thành viên đều đã thực hiện điều này cho đến nay, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Công Thuận/Báo Tin tức
Thế khó của EU về trừng phạt Hungary
Thế khó của EU về trừng phạt Hungary

Đề xuất trừng phạt Hungary của Ủy ban châu Âu gây khó xử đối với các quốc gia thành viên EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN