Trong giai đoạn 2010 - 2015 toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc đã có 42 công trình, dự án đường bộ quan trọng, cấp bách được hoàn thành, với tổng mức đầu tư 29.900 tỷ đồng, nâng cấp, sửa chữa 296 km đường sắt với tổng mức đầu tư 1.631 tỷ đồng, 115 km đường thủy nội địa với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Sự phát triển nhanh của kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng. Giai đoạn từ năm 2010 đến hết tháng 6/2015, tổng khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 404 triệu lượt khách và 506,5 triệu tấn hàng hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân lần lượt đạt 5,56%/năm đối với hành khách và 10,10%/năm đối với hàng hóa.
Khẩn trương khắc phục sự cố nhằm khai thông tuyến quốc lộ 4H (Điện Biên) sau những trận mưa lớn. |
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, mặc dù đã được đầu tư nhiều nhưng cơ sở hạ tầng của giao thông vận tải (GTVT) vùng Tây Bắc vẫn trong tình trạng yếu kém. Nguyên nhân một phần là do điều kiện nguồn lực đầu tư hạn hẹp, nguồn vốn bảo trì mặc dù đã được quan tâm bố trí, tuy nhiên vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu để thực hiện công tác này. Ngoài ra, khu vực miền núi phía Bắc đang thiếu hệ thống đường kết nối giữa các địa phương với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên. Vì vậy, chưa phát huy hết được các tiềm năng lợi thế của vùng.
Muốn đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, các địa phương trong vùng Tây Bắc cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả đầu tư, tiến độ và chất lượng công trình. Trong khi nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông còn hạn hẹp, các tỉnh và ngành giao thông cố gắng giữ được hạ tầng hiện có.
Tỉnh lộ 207 đoạn từ thị trấn Quảng Uyên đến thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng đã xuống cấp nghiêm trọng. |
Theo ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, để kinh tế - xã hội phát triển, giao thông phải đi trước mở đường, kết cấu hạ tầng giao thông quyết định sự phát triển trong vùng. “Đề nghị đẩy mạnh bán thương quyền để lấy tiền duy tu bảo dưỡng, phát hành trái phiếu sử dụng xi măng để đầu tư cho giao thông nông thôn, miền núi, ông Bùi Văn Tỉnh đề xuất. Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, hiện nay Trung ương đầu tư cho các tỉnh vùng Tây Bắc như đầu tư cho người nghèo, cho để tồn tại. Cần phải thay đổi tư duy này, cần có sự công bằng. “Nếu mức đầu tư tương đồng với các tỉnh, Tây Bắc phát triển không kém các khu vực khác”, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT đề ra mục tiêu hoàn thành các dự án đầu tư chuyển tiếp, bổ sung vốn để hoàn thành các dự án tạm dừng, giãn tiến độ sau năm 2015, các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2014 - 2016 còn thiếu vốn, trả nợ trước kế hoạch từ 2015 về trước, trả nợ các dự án BT. Khởi công mới các dự án trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên cho các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng, nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh hơn nữa huy động vốn ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển.
Tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như BOT, PPP. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải; ưu tiên đầu phát triển những công trình có tính đột phá tạo điều kiện liên kết vùng. Tăng cường huy động nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng giao thông. Sửa đổi bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền để tăng tính thương mại của các dự án giao thông và trách nhiệm đóng góp của người sử dụng, đảm bảo lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư. Tổ chức có hiệu quả các chủ trương, đề án xã hội hóa đầu tư, quán lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt trong lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường thủy nhằm khuyến khích thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.