Hạ tầng giao thông còn yếu
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2010 - 2015) công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải (GTVT) vùng Tây Bắc do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ GTVT tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã nhấn mạnh: “Đại lộ - đại phú, trung lộ - trung phú, tiểu lộ - tiểu phú, vô lộ - vô phú, không có đường, kinh tế không phát triển được”.
Cải tạo nâng cấp quốc lộ 12, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định 5 năm qua, GTVT Việt Nam nói chung, GTVT của 14 tỉnh Tây Bắc nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc, hạ tầng giao thông được tập trung phát triển vào cả 4 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường không, giảm từ 1/3 - 1/2 thời gian đi lại, điều đó cho thấy sự cố gắng rất lớn của Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương. Nhiều tỉnh có khó khăn nhưng đã tập trung nguồn lực cho xây dựng các công trình giao thông. Sự phát triển nhanh về hạ tầng giao thông đã góp phần quan trọng vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và kết nối giao thông thuận lợi trong vùng cũng như trên cả nước.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách đúng mức những tồn tại, bất cập của GTVT trong vùng, đó là xuất phát điểm về hạ tầng thấp, địa hình phức tạp, chia cắt nên mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng GTVT còn lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Diện tích của toàn vùng Tây Bắc rất lớn, nhưng cơ cấu và tổng mức đầu tư cho giao thông thấp, nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, nhất là vốn ODA đầu tư hạ tầng giao thông còn hạn chế, xã hội hóa đầu tư còn khó khăn. Nhiều xã chưa có đường ô tô đến trong 4 mùa, đường đất còn nhiều, số đường liên huyện được cứng hóa còn thấp nên liên kết vùng chưa tốt. Ở nhiều nơi, người dân đi lại rất khó khăn. Việc quy hoạch bến bãi, hạ tầng đường thủy nói chung, phương tiện thủy nói riêng còn nhiều bất cập. Xe quá tải phá nát đường vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều tuyến đường huyết mạch. Tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao…
Cần có kế hoạch dài hạn
Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề nghị các địa phương lập danh mục các công trình giao thông, quy hoạch phát triển GTVT gắn liền với kế hoạch trung hạn để có thứ tự ưu tiên. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật trong đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng GTVT, xã hội hóa đầu tư; cho thuê, khai thác, chuyển nhượng có thời hạn hạ tầng. Các Bộ GTVT, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, ODA để phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc, nhất là mở rộng, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến giao thông huyết mạch, những tuyến kết nối nhằm phát huy tính đồng bộ, liên thông của hạ tầng giao thông vùng. Với việc xây dựng, nâng cấp, sửa chữa sân bay Điện Biên và Nà Sản, xây dựng sân bay Lai Châu và Lào Cai, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương, không để ngân sách nhà nước phải gánh vốn đầu tư toàn bộ.
Nhìn lại 5 năm phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng Tây Bắc cho thấy nhiều địa phương trong vùng có tiềm năng, thế mạnh lớn nhưng lại rất khó khăn do thiếu đường giao thông. Địa bàn trung du và miền núi phía Bắc hiện nay đang có 4 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không, đưa tốc độ tăng trưởng hàng hóa của vùng trên 10%/năm và tăng trưởng hành khách gần 6%/năm. |
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tính toán khai thác hiệu quả các phương thức vận tải trong vùng, rà soát và có chính sách hợp lý phát triển số lượng, chủng loại, phương tiện phù hợp với điều kiện Tây Bắc, quy hoạch bến xe, mạng lưới tuyến ô tô liên tỉnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Tạo điều kiện cho các cảng hàng không mở rộng, củng cố, mở mới đường bay đi và đến khu vực Tây Bắc. Các địa phương vùng Tây Bắc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các dịch vụ vận tải một cách bình đẳng, minh bạch. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, Nhà nước và nhân dân cùng làm, đặc biệt là tuyến giao thông nông thôn, đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ, an toàn giao thông đường bộ, khắc phục các điểm xung yếu, điểm đen; đồng thời vận động nhân dân bảo vệ tốt các tuyến giao thông.
Vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng với tổng chiều dài gần 153.000 km; trong đó cao tốc dài 325 km, quốc lộ có tổng chiều dài khoảng 6.500 km, tỉnh lộ 7.600 km, đường giao thông nông thôn 138.000 km. Trong vùng có 4 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 700 km, ngắn nhất so với các vùng trong cả nước và năng lực vận tải cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đặc điểm địa hình nên giao thông thủy nội địa vùng trung du miền núi phía Bắc chỉ đóng vai trò hạn chế trong tổng thể hệ thống GTVT của vùng, chỉ một số tỉnh có giao thông thủy nội địa liên kết với các tỉnh khác trong vùng và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm trên 3 tuyến đường thủy nội địa chính của miền Bắc và do Trung ương quản lý. Các tuyến khác ít có giá trị vận tải, chỉ phục vụ nội tỉnh, nội huyện và chủ yếu phục vụ dân sinh.