Trong giai đoạn 1 của Đề án xây dựng cầu treo dân sinh, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư xây dựng 6 cầu treo dân sinh gồm: Cầu Nà Mèo, xã Hà Lang (huyện Chiêm Hóa); cầu Múc Ròm, xã Tuân Lộ (huyện Sơn Dương); cầu Nà Thoi - Quảng Thái, xã Xuân Quang (huyện Chiêm Hóa); cầu Vàng On, xã Trung Minh (huyện Yên Sơn); cầu Nà Khậu, xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình) và cầu Sơn Nam, xã Sơn Nam (huyện Sơn Dương).
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. |
Những cây cầu kiên cố là mơ ước bấy lâu nay của người dân tỉnh Tuyên Quang, do vậy chủ trương xây dựng cầu dân sinh nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân địa phương. Nhân dân đã tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, thậm chí có những nơi bà con cùng chung tay góp ngày công để xây dựng cầu. Tiêu biểu là gia đình ông Hoàng Văn Cường thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tình nguyện hiến hơn 500 m2 đất canh tác để xây cầu. Ông Hoàng Văn Cường cho biết: "Trước đây không có cầu khổ lắm, mùa mưa nước sông Phó Đáy lên cao người dân không thể đi lại được, học sinh thì phải nghỉ học".
Đi trên cây cầu kiên cố, anh Hà Văn Hà, thôn Đồng Chùa, xã Hợp Hòa (huyện Sơn Dương) không giấu được sự xúc động: Trước đây, khi chưa có cầu, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Đặc biệt, khi vào mùa lũ, nước sông lên thì vùng này hầu như bị cô lập hoàn toàn. Từ ngày cầu treo Múc Ròm hoàn thành, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn; hàng hóa được vận chuyển ra quốc lộ 2C một cách dễ dàng, cuộc sống của người dân ngày một khấm khá hơn. Có thể khẳng định, những cây cầu mới thuộc Dự án cầu treo dân sinh không chỉ giúp thay đổi cuộc sống của người dân những địa bàn khó khăn mà còn là những nhịp cầu rút ngắn con đường đến với cái chữ của các em nhỏ vùng cao. Em Lục Thị Thu Hiền, học sinh lớp 11B6, Trường Trung học phổ thông Sơn Nam cho biết: Khi chưa có cầu, chúng em thường phải nghỉ học vào mùa mưa lũ vì đi qua chiếc cầu treo tạm bằng gỗ rất nguy hiểm. Từ khi cầu treo Sơn Nam đi vào hoạt động, chúng em đi học thuận tiện hơn, không phải nghỉ học vì nước lũ nữa.
Ông Trần Viết Cương, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Đề án xây dựng cầu treo dân sinh tại tỉnh Tuyên Quang được thực hiện theo hình thức địa phương tự thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ sự đồng thuận từ người dân mà công tác giải phóng mặt bằng thực hiện rất nhanh, nhiều cây cầu hoàn thành trước thời hạn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn khoảng 132 cầu dân sinh (cả cầu treo, cầu cứng) đang xuống cấp cần được đầu tư xây dựng, trong khi đó nguồn hỗ trợ theo đề án chưa đáp ứng đủ.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Tuyên Quang cuối năm 2015, bà Victoria KawaKawa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Ngân hàng Thế giới đang làm việc với Chính phủ Việt Nam về dự án đầu tư xây dựng cầu treo giai đoạn 2, dự kiến Ngân hàng Thế giới sẽ sử dụng khoảng 250 triệu USD vào việc xây cầu tại 50 tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Tuyên Quang. Trong tương lai không xa, những bản làng xa xôi, khó khăn nhất của Tuyên Quang sẽ không còn nỗi lo đi lại trong mùa mưa lũ. Những cây cầu mới thuộc dự án cầu treo dân sinh sẽ rút ngắn con đường đến với cái chữ của các em nhỏ, xóa dần sự đói nghèo và nối dài những niềm vui của đồng bào các dân tộc nơi đây.