Đầu tư cho giao thông Tây Bắc

Vùng trung du và miền núi phía Bắc có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và ngành nông nghiệp. Là vùng có tiềm năng lớn về du lịch, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về cả chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cho nên Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Trên 60% số xã đường giao thông đến trung tâm là đường đất

Công tác đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng hạ tầng giao thông vận tải chưa được quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Đường giao thông khu vực Tây Bắc là yếu kém nhất trong cả nước nên đã làm chậm phát triển kinh tế, hạn chế giao lưu với các khu vực. Toàn vùng vẫn còn trên 60% số xã đường giao thông đến trung tâm là đường đất, chưa được cứng hóa, đi lại vào mùa mưa còn khó khăn. Kết nối giao thông Nội Bài - Lào Cai đã là một tín hiệu tốt để phát triển nhưng việc kết nối từ cao tốc này với các tỉnh khác chưa được thực hiện nên chưa phát huy hết hiệu quả, hệ thống đường gom cao tốc chưa hoàn thành, đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai mới chỉ có 2 làn đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến giao thông chung cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT: Cần phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tư cho hạ tầng giao thông

Trong những năm qua được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm đầu tư và chỉ đạo quyết liệt nên hầu hết các tuyến đường huyết mạch cũng như những công trình trọng điểm trên địa bàn Tây Bắc đã và đang được xây dựng. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải bước đầu được cải thiện đáng kể so với trước đây, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trong vùng, rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa miền núi với đồng bằng. Song để phát triển hạ tầng giao thông cho vùng trung du và miền núi phía Bắc, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước nói chung cũng như vùng trung du và miền núi phía Bắc nói riêng. Các bộ, ngành tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT trong việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn từ xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT…

Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nên có chính sách đặc thù

Tây Bắc có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, như là vùng phên dậu của quốc gia trong bảo vệ an ninh biên giới. Chính phủ nên có chính sách đặc thù để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc, chẳng hạn như có cơ chế hình thành quỹ hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng vùng Tây Bắc, hỗ trợ lãi suất đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển nhượng quyền khai thác, quyền thu phí để phát triển hạ tầng giao thông.

Ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Điện Biên: Ưu tiên phát triển giao thông nông thôn

Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đặc biệt là Bộ giao thông Vận tải (GTVT) và của UBND tỉnh, hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được đầu tư xây dựng, phát triển theo đúng quy hoạch đã được duyệt và theo hướng phát triển đồng bộ, hướng tới hiện đại. Hệ thống GTVT đường bộ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hình thành mạng lưới liên hoàn, khép kín, liên kết các vùng, khu vực kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên lòng hồ thủy điện Sơn La bước đầu hình thành và đưa vào quản lý, cùng với vận tải hàng không đang từng bước được nâng cấp. Đó là những yếu tố cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh trong nước và quốc tế đáp ứng được nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần quan trọng vào sự nghiệp CNH-HĐH, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống nhân dân trong tỉnh.

Nâng cấp sửa chữa tuyến đường Pa Tần - Mường Tè (Lai Châu).

Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm và lồng ghép với các chương trình 30a, 135; chương trình nông thôn mới; đề án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé; các chương trình ODA từ các nguồn vốn hỗ trợ như WB, JIKA... Sở GTVT Điện Biên đã phối hợp với các huyện, thị thực hiện các biện pháp thu hút vốn để đầu tư phát triển và cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Năm 2015 đã mở mới 4 km đường dân sinh, mở mới 74,6 km đường ô tô; cải tạo, nâng cấp 183,5 km mặt đường. Đưa tổng chiều dài đường giao thông toàn tỉnh hiện có lên 8.265,59 km; toàn tỉnh có 130 xã, phường thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Năm 2015 đã điều tra, xây dựng kế hoạch báo cáo và được Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận đưa 63 vị trí cần xây dựng cầu treo, cầu cứng dân sinh để đầu tư xây dựng vào giai đoạn 2015 - 2020 với tổng kinh phí dự kiến: 111 tỷ đồng.

Năm 2016, Điện Biên tiếp tục tập trung quản lý, bảo trì các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ mà Sở GTVT được giao quản lý, bảo đảm thông thoáng, êm thuận, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Kinh phí kế hoạch thực hiện năm 2016 bảo dưỡng thường xuyên là 12,9 tỷ đồng, sửa chữa định kỳ là 80,1 tỷ đồng. Tiếp tục nâng cao năng lực, bộ máy quản lý bảo trì đảm bảo tinh gọn, xử lý tốt các tình huống đảm bảo an toàn giao thông trên tất cả các tuyến đường thuộc sở được giao quản lý. Xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống mưa lũ, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, huy động kịp thời, chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trong mọi tình huống. Chủ động xử lý các vị trí nguy hiểm mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Tiếp tục thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn 2014 - 2020. Phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình giao thông, chống lấn chiếm hành lang đường bộ.
PV
Cuộc sống khá lên nhờ những cây cầu treo
Cuộc sống khá lên nhờ những cây cầu treo

Là một trong 28 tỉnh được Bộ Giao thông Vận tải triển khai thực hiện Đề án xây dựng cầu treo dân sinh, đến nay Tuyên Quang đã xây dựng và đưa vào sử dụng 6 cây cầu kiên cố phục vụ đi lại cho người dân trong tỉnh. Những cây cầu treo kiên cố không chỉ mang tới niềm vui cho nhân dân mà còn là đòn bẩy giúp đồng bào giao lưu, phát triển kinh tế với các vùng lân cận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN