Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, tỉnh xác định vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất. Cụ thể, vùng ven biển từ thành phố Rạch Giá đến thành phố Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn - sông Cái Bé, các huyện vùng U Minh Thượng.
Tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan và các huyện, thành phố chủ động thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất. Sử dụng tiết kiệm nước, chủ động nguồn nước đảm bảo cung cấp cho vụ Đông Xuân 2019 - 2020 và Hè Thu 2020, phục vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất tôm - lúa.
Theo đó, ngành chức năng phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát lại những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước nội đồng trong tỉnh để ngăn xâm nhập mặn.
Chi cục Thủy lợi Kiên Giang vận hành hiệu quả hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng, Ô Môn - Xà No để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Tiếp đến, triển khai gia cố đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2019 - 2010 và phòng, chống hạn mặn cho vụ Hè Thu 2020.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, kế hoạch phương án đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn tỉnh trong mùa khô này 173 đập; trong đó có 2 đập bằng cừ thép trên kênh xáng Rạch Giá - Hà Tiên tại huyện Kiên Lương, Kinh Nhánh tại thành phố Rạch Giá và 171 đập đất, tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng.
Các đập trên địa bàn huyện An Minh, An Biên, Giang Thành, Kiên Lương, Gò Quao, thành phố Rạch Giá thi công hoàn thành trước ngày 15/12/2019. Ngoài ra, còn một số đập dự phòng ở huyện Giồng Riềng và Gò Quao, 2 địa phương này theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn từ sông Cái Lớn - sông Cái Bé để sẵn sàng đắp đập khi hạn, mặn sâu.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền, truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh xây dựng các chương trình tập huấn, tăng cường vai trò của báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền, cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý, vận động nông dân làm thủy lợi nội đồng ngay từ đầu mùa khô
Tỉnh chỉ đạo ngành chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến mặn kết hợp tăng cường công tác điều tra xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính, kịp thời thông báo cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động sản xuất.
Hai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang - An Giang phối hợp thống nhất lịch thực hiện lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên trên địa bàn 2 tỉnh để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.
Tỉnh chỉ đạo các ngành hữu quan phối hợp với địa phương tập trung chăm sóc diện tích lúa Đông Xuân 2019 - 2020, đề phòng thiếu nước, xâm nhập mặn từ giữa đến cuối vụ.
Cán bộ kinh tế kỹ thuật xã cùng với nông dân thường xuyên thăm đồng kết hợp kiểm tra các vùng sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng mặn để ứng phó; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, phòng trừ dịch hại và các kỹ thuật canh tác trong điều kiện hạn chế về nước tưới; khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, trên địa bàn tỉnh này mùa khô năm 2019 - 2020, khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn mùa khô năm 2018 - 2019, ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và khả năng ở mức xấp xỉ mùa khô 2015 - 2016. Độ mặn 4%0 trên sông Cái Lớn xâm nhập sâu khoảng 40 km trong tháng 1/2020, mặn bắt đầu tăng cao từ tháng 02/2020 và khả năng độ mặn cao nhất năm xuất hiện vào những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2020.