Phát triển vùng dứa chuyên canh Đồng Tháp Mười 'sống chung với lũ'

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây dứa vùng Đồng Tháp Mười, UBND huyện Tân Phước đã quy hoạch vùng trồng dứa chuyên canh tập trung tại các xã Hưng Thạnh, Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân, Tân Hòa Đông…; đồng thời, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy lợi, phục vụ sản xuất nhằm bảo đảm hiệu quả vùng chuyên canh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Chú thích ảnh
Thu hoạch dứa ở xã Thạnh Mỹ (Tân Phước). 

Cụ thể, để bảo vệ vùng chuyên canh dứa theo chủ trương “chung sống với lũ”, huyện Tân Phước đã đắp gần 800 km đê bao kết hợp phát triển giao thông kết nối tiểu vùng và kết nối vùng, hoàn thiện 131 ô đê bao, bảo vệ khoảng 15.400 ha dứa, hơn 3.000 ha cây ăn trái và cây trồng khác. Đồng thời, đầu tư lắp đặt 198 trạm bơm điện bơm chống lũ, tiêu úng, phòng chống hạn mặn khi cần thiết.

Những ngày qua, thời tiết diễn biến bất lợi, mưa lũ phức tạp, kéo dài làm mực nước trong các ô đê bao dâng lên cao. Do đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tân Phước chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai bơm tháo chống ngập úng cho các ô đê bao, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống người dân.

Mặt khác, để nâng cao hiệu quả cây trồng đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, phục tráng giống dứa và đưa thêm vào những giống mới như giống dứa MĐ 2 có nhiều ưu điểm vượt trội vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.

Từ đầu năm đến nay, huyện Tân Phước đã tổ chức khoảng 180 cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho gần 4.500 lượt nông dân các vùng chuyên canh; chủ yếu hướng dẫn bà con về kỹ thuật thâm canh, tuyển chọn giống tốt, cải tạo và trẻ hóa vườn dứa, xử lý cho trái rải vụ để có sản phẩm thu hoạch quanh năm,...

Hiện nay, với kỹ thuật xử lý cho trái rải vụ được ngành nông nghiệp đúc kết, chuyển giao và nông dân vùng Đồng Tháp Mười đang áp dụng một cách rộng rãi đã tạo nên cuộc cách mạng trên lĩnh vực thâm canh cây trồng đặc sản. Nhờ vậy, dứa Tân Phước cho thu hoạch gần như quanh năm. Từ đó, giảm nguy cơ được mùa, mất giá, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất, thâm canh. Dứa Đồng Tháp Mười tiêu thụ thuận lợi, bán được giá cao, nông dân vùng đất mới khai hoang lập nghiệp rất phấn khởi.

Gần đây, việc sơ chế, chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ trái dứa phục vụ nhu cầu thị trường được địa phương quan tâm còn giúp nâng giá trị và thương hiệu dứa Tân Phước. Từ trái dứa tươi, người dân trong vùng Đồng Tháp Mười chế biến ra nhiều sản phẩm giá trị cao như: kẹo dứa, nước màu dứa, nước giải khát… đưa ra phục vụ thị trường.

Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, hiện nay, nông dân vùng chuyên canh dứa rất phấn khởi bởi dứa trúng mùa, trúng giá, thu nhập cao, cuộc sống ổn định. Trong năm 2024, dứa luôn giữ ở mức giá từ 9.500 đồng trở lên, có lúc lên đến 11.000 đồng/kg, cao gấp đôi năm trước. Với giá này, mỗi ha dứa bà con đạt giá trị sản xuất đến khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng, cao nhất trong số các cây trồng chủ lực ở vùng Đồng Tháp Mười.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, trong 10 tháng qua, nông dân địa phương đã thu hoạch trên 12.400 ha dứa, năng suất bình quân 20,4 tấn/ha và sản lượng cung ứng cho thị trường gần 254.000 tấn quả.

Là cây trồng đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười, nông dân huyện Tân Phước đã khai hoang, trồng được gần 15.400 ha dứa chuyên canh, mỗi năm cho sản lượng khoảng 300.000 tấn, lớn nhất khu vực sông Tiền. Ưu điểm cây dứa là thích hợp thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, cho năng suất, sản lượng cao và đầu ra thuận lợi. Nhờ cây dứa chuyên canh, nhiều nông dân sau vài năm bội thu đã tạo dựng cơ nghiệp vững vàng, nghiễm nhiên trở thành tỷ phú trên vùng Đồng Tháp Mười hoang hóa khi xưa.

Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Diện, cư ngụ tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước. Vào lập nghiệp trên vùng Đồng Tháp Mười cách đây 20 năm, ông khai hoang trồng được 5 ha dứa. Nhờ được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp chuyển giao kỹ thuật thâm canh, ông canh tác đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha - mức cao nhất trong vùng. Mỗi năm, ông đạt sản lượng dứa thương phẩm khoảng 100 tấn, bán trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Ngoài ra, còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương.

Nông dân Nguyễn Thành Hiển, cư ngụ tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước cho biết, trong năm qua, ông đã vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang về thành tích nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh. Sau nhiều năm khai hoang, phục hóa vùng Đồng Tháp Mười, ông sở hữu 11 ha đất canh tác gồm 4 ha dứa, 5 ha khoai mỡ, 2 ha lúa nếp. Trung bình mỗi năm, ông thu nhập khoảng 1,15 tỷ đồng; với 5 nhân khẩu trong gia đình, thu nhập bình quân đầu người 230 triệu đồng/năm. Đây là một trong những mức thu nhập rất cao ở Tiền Giang hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Hiển đánh giá, với kinh nghiệm nhiều năm thâm canh, năm nay, dứa Đồng Tháp Mười luôn giữ giá cao bởi nhu cầu thị trường lớn đồng thời nông dân vùng chuyên canh quan tâm ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật thâm canh nên đã tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng nông sản hàng hóa, người tiêu dùng ưa chuộng, khẳng định được thương hiệu cây trồng đặc sản vùng Đồng Tháp Mười.

Ngoài ra, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với sự tham gia tích cực của các nông hộ vùng chuyên canh, hợp tác xã và doanh nghiệp, thương nhân cũng đã giúp giải quyết đầu ra, đưa thương hiệu cây dứa địa phương ngày một thăng hoa. Ông Hiển nêu ví dụ, thời gian qua, Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Phú Mỹ do ông làm giám đốc đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ dứa với vựa dứa Minh Hùng, nông dân bán cao hơn thị trường bình quân 500 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. Từ đó, mở ra tương lai mới cho sự phát triển bền vững vùng dứa chuyên canh Tân Phước trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Trồng dứa cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha
Trồng dứa cho lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha

Tại Sóc Trăng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả đang được ngành chuyên môn, chính quyền địa phương vận động nhân dân đẩy mạnh thực hiện, từ đó giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích sản xuất. Nổi bật trong đó là mô hình trồng dứa MD2 ở huyện Mỹ Tú, mô hình đang giúp nông dân địa phương làm giàu trên mảnh vườn của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN