Phát huy truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn' và phẩm chất 'Bộ đội cụ Hồ'

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa người có công luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La quan tâm, thực hiện tốt.

Cùng với đó, phát huy phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ", các thương binh, bệnh binh tỉnh Sơn La đã vượt qua nỗi đau chiến tranh, tiếp tục vươn lên, giành chiến thắng trên mặt trận làm kinh tế.

Chăm lo đời sống người có công

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể tỉnh Sơn La nói chung, huyện Mường La nói riêng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, quan tâm chăm lo, giúp đỡ các đối tượng chính sách và người có công ổn định cuộc sống.

Chú thích ảnh
 Đại diện Hội Cựu chiến binh huyện Mường La, tỉnh Sơn La thăm hỏi, động viên gia đình chính sách ở tiểu khu II, xã Mường Bú. 

Hằng năm, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, huyện đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ gia đình người có công như: Miễn giảm các loại thuế; hỗ trợ sửa chữa nhà; ưu tiên giải quyết việc làm; hỗ trợ ưu đãi giáo dục - đào tạo đối với con thương binh, bệnh binh đang học tại các trường phổ thông, dân tộc nội trú, giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng, đại học...

Mường La hiện có 180 người có công, thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó, 102 thương binh, bệnh binh; 40 thân nhân liệt sỹ; còn lại là người hưởng xuất thương binh và nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con của người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học. Để chăm lo tốt đời sống người có công, huyện đã thường xuyên rà soát, bổ sung hồ sơ cho các đối tượng bị mất hồ sơ, giấy tờ liên quan. Việc xét duyệt chế độ chính sách cho người có công luôn đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, hồ sơ được quản lý chặt chẽ không để sai sót, nhầm lẫn.

6 tháng đầu năm 2020, huyện đã chi trả hơn 2,4 tỷ đồng trợ cấp hàng tháng cho người có công; trợ cấp gần 1 tỷ đồng chi phí mai táng và trợ cấp khác. Đồng thời, huyện đã trao 760 suất quà của Chủ tịch nước và của tỉnh, trị giá trên 230 triệu đồng cho 760 gia đình chính sách; tặng 54 suất quà, trị giá hơn 17 triệu đồng từ nguồn kinh phí của huyện cho các đối tượng.

Ngoài ra, huyện còn rà soát, tổng hợp phương tiện, dụng cụ chỉnh hình đối với 18 đối tượng, trị giá gần 20 triệu đồng; điều dưỡng tại nhà cho 19 đối tượng, với gần 35 triệu đồng. Đặc biệt, thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo, tiến hành rà soát, hoàn thành hỗ trợ xây mới và sửa chữa 414 nhà ở cho người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng; hỗ trợ 142 đối tượng người có công với cách mạng gặp khó khăn do dịch COVID-19, với tổng số tiền hơn 213 triệu đồng.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, thời gian tới, huyện Mường La sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân; khẳng định công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội. Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã góp phần bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đồng thời khẳng định lòng biết ơn, kính trọng lớp cha anh đã không tiếc xương máu bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc.

Vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế

Chú thích ảnh
Ông Lò Văn Sức là thương binh hạng 1/4. Ông là một trong những người tiên phong thành lập hợp tác xã. 

Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa giúp các thương bệnh binh, cựu chiến binh, gia đình chính sách xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, phát triển bền vững, Hợp tác xã Thương binh 27/7 (tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là nơi giúp những người lính trở về từ chiến trường giao lưu, giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, mang lại thu nhập cho các hộ gia đình và vươn lên làm giàu chính đáng. 

Hợp tác xã Thương binh 27/7 được thành lập năm 1989, với mong muốn tập hợp các thương, bệnh binh của huyện Mai Sơn cùng nhau vượt qua khó khăn, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hợp tác xã có gần 40 thành viên, trong đó 38% là thương, bệnh binh; 45% là cựu chiến binh; 17% là con em gia đình chính sách.

Là một trong những người tiên phong thành lập hợp tác xã, ông Lò Văn Sức, Thương binh hạng 1/4, 74 tuổi cho biết: Nhiều anh, em thương bệnh binh từ chiến trường trở về, không có việc làm, gia đình khó khăn về kinh tế, ông đã cùng 9 thương binh khác quyết tâm xây dựng hợp tác xã, để giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo.

Hợp tác xã luôn tuyên truyền, vận động các thành viên tích cực tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, huy động mọi nguồn lực, nhân lực và sự giúp đỡ của các cấp chính quyền trong tỉnh. Cùng với đó, hợp tác xã luôn chú trọng thực hiện chăm lo sức khỏe cho các thành viên; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các thành viên khi bị ốm, đau; hỗ trợ gia đình gặp thiên tai, hoạn nạn với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Năm 2012, khi Luật Hợp tác xã kiểu mới ra đời, Hợp tác xã Thương binh 27/7 đã đi đầu trong việc chuyển đổi kinh doanh đa ngành, nghề gồm: Sản xuất và chế biến các loại nước giải khát, trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái, dịch vụ thú y, vật tư nông nghiệp, chế biến nông sản.

Từ chỗ phải dựa vào nguồn trợ cấp của Nhà nước, đến nay, Hợp tác xã Thương binh 27/7 đã bắt kịp xu hướng của thị trường; định hướng, vận động các thành viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề, liên kết sản xuất theo chuỗi để phù hợp với cơ chế thị trường.

Cùng với đó, Hợp tác xã Thương binh 27/7 đã chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số công ty, đảm bảo đầu ra, góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho các thành viên, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Hợp tác xã Thương binh 27/7 liên kết các hộ thành viên thành lập tổ sản xuất, kinh doanh theo từng lĩnh vực. Nhờ đó, doanh thu của năm sau cao hơn năm trước, bình quân đạt hơn 10 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 70 lao động mùa vụ, với mức lương 3- 4 triệu đồng/tháng.

Chú thích ảnh
Chế biến chanh leo tại HTX Thương binh 27/7. 

Cựu chiến binh Đỗ Hồng Phương, Giám đốc Hợp tác xã Thương binh 27/7 chia sẻ: Bên cạnh việc phát triển sản xuất, kinh doanh, Hợp tác xã cùng với một số cơ quan, đoàn thể thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống của các thành viên, tổ chức 2-3 năm/lần cho các thành viên đi thăm lại chiến trường xưa, các di tích lịch sử, văn hóa, nhiều điểm danh lam thắng cảnh trong cả nước.

Vào các ngày lễ, tết, đặc biệt dịp kỷ niệm 27/7, Hợp tác xã Thương binh 27/7 đều đến động viên, thăm hỏi và tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, giúp họ yên tâm trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình; qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc để mỗi thành viên nâng cao vai trò trách nhiệm, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng. Các thế hệ thành viên của Hợp tác xã đã không ỷ nại, trông chờ vào nguồn trợ cấp của Nhà nước mà luôn đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, phát huy truyền thống bản chất "Bộ đội cụ Hồ" để vượt lên hoàn cảnh của chính mình, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Quang Quyết (TTXVN)
Người thương binh vượt khó làm giàu từ quê hương Hòn Đất
Người thương binh vượt khó làm giàu từ quê hương Hòn Đất

Ông Phạm Thanh Bi, 66 tuổi, là thương binh 4/4 ngụ tại ấp Lình Huỳnh, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Tại địa phương, là một người có uy tín và làm kinh tế giỏi, ông Phạm Thanh Bi được bầu làm Trưởng ấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN