Nhằm tạo sự đổi mới cho công tác Hội trong nhiệm kỳ tới, nhiều đại biểu về dự và các hội viên Hội Cựu chiến binh trên cả nước đã gửi gắm những nguyện vọng, mong mỏi của mình tới Đại hội.
Phát huy truyền thống gương mẫu, giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ Xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội viên Hội Cựu chiến binh các cấp. Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Ánh Khôi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) cho rằng: Các cấp Hội cần duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt chi hội, ban thường vụ các cấp Hội định kỳ hàng tháng và họp ban chấp hành hàng quý theo quy định của Điều lệ Hội.
Các cấp Hội phải làm tốt việc quán triệt đầy đủ những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nắm bắt thông tin kịp thời những vấn đề thời sự và định hướng tư tưởng cho hội viên. Việc thực hiện nghiêm túc các quy định này sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Hội và hội viên luôn gương mẫu, chuẩn mực về đạo đức.
Cựu chiến binh Kiều Văn Quang xã Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) là tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mô hình kinh tế trang trại và dịch vụ ăn uống của ông mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN |
Là người đại diện cho hội viên ở cấp cơ sở, cựu chiến binh Lê Tấn Hùng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) gửi đến đại hội kỳ vọng về việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội tại cơ sở. Cụ thể, cựu chiến binh Lê Tấn Hùng cho rằng các hoạt động của Hội cần lựa chọn các vấn đề ưu tiên, khâu đột phá. Hội cựu chiến binh từ Trung ương đến cơ sở cần quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; giúp đỡ cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng…
Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên mong muốn Trung ương Hội sẽ tham mưu cho các cấp, ngành liên quan để tiếp tục có thêm chế độ, chính sách đối với các tổ chức cựu chiến binh cơ sở, nhất là vùng Tây Bắc, miền núi biên giới; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hội phát triển, phát huy phẩm chất anh hùng trong thời bình để giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tham gia Đại hội đại biểu Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017-2022, đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên gồm 5 đồng chí, đại diện cho hơn 15.000 cựu chiến binh của tỉnh. Thời gian qua, với khẩu hiệu: “Lớp cha trước, lớp con sau; đã thành đồng chí chung câu quân hành”, Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống như: sinh hoạt giao lưu với nhân chứng lịch sử, tổ chức liên hoan bài ca cách mạng…
Từ thực tiễn các phong trào trong nhiệm kỳ qua, Hội cựu chiến binh tỉnh Phú Yên đã bồi dưỡng, giới thiệu được hơn 3.700 đoàn viên ưu tú cho Đảng kết nạp. Ông Nguyễn Như Trí, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên cho biết: Tại Đại hội, Đoàn đại biểu tỉnh Phú Yên sẽ chia sẻ kinh nghiệm về công tác giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thể hệ trẻ.
Cùng góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam Phan Đình Thông đề xuất: Để góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tăng cường phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động ở cơ sở.
Hiện nay, mô hình giới thiệu cựu chiến binh làm đoàn viên danh dự sinh hoạt tại nhiều chi đoàn đạt được kết quả tốt, cần được tổng kết nhân rộng trong thời gian tới. Đồng thời, công tác giáo dục tư tưởng chính trị, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của các cấp Hội Cựu chiến binh nên gắn liền với những “địa chỉ đỏ” để vừa thu hút thanh niên, vừa tạo sự lan tỏa trong công tác tuyên truyền.
Tăng cường hỗ trợ hội viên cựu chiến binh phát triển kinh tế Để thực hiện chủ trương khuyến khích hội viên cựu chiến binh phát triển kinh tế, theo ông Hiền Văn Ôn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), Hội Cựu chiến binh phải là tổ chức tiên phong, đi đầu trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương; gắn với phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đồng thời, các cấp Hội Cựu chiến binh cần nhân rộng những mô hình làm kinh tế có hiệu quả, tăng cường xây dựng nguồn vốn nội bộ, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Cùng quan điểm về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Thế Kiên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên là một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn của cả nước, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cựu chiến binh tỉnh đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để góp phần xây dựng Hội vững mạnh hơn nữa, cần huy động nguồn vốn ngân hàng chính sách, phổ biến rộng rãi các mô hình điểm phát triển kinh tế, tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên xóa đói giảm nghèo.
Đại tá Nguyễn Thế Kiên đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, từ những nguồn vốn của Hội Cựu chiến binh đầu tư các mô hình điểm, các cấp Hội sẽ có giải pháp phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình đến các cơ sở hội, đặc biệt là các chi hội khó khăn ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới. Cùng với đó, các trường chính trị cần mở những lớp bồi dưỡng để các cựu chiến binh nâng cao trình độ năng lực quản lý.
Bày tỏ sự hy vọng về những đổi mới trong định hướng công tác Hội giai đoạn tiếp theo, ông Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ cho rằng, điều quan trọng là các cấp Hội Cựu chiến binh cần tập trung chăm lo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Theo ông Huỳnh Thanh Phương cho biết, tại thành phố Cần Thơ hiện còn 194 hộ cựu chiến binh nghèo (chiếm tỷ lệ 1,6%). Trong đó có 68 hộ đề nghị chuyển sang diện bảo trợ xã hội do lớn tuổi, bệnh nan y, không có tư liệu sản xuất. Cựu chiến binh thuộc hộ cận nghèo là 150 hộ (chiếm tỷ lệ 1,24%). Ước tính năm 2017 có 32 hộ thoát nghèo, 39 hộ thoát cận nghèo. Thành phố hiện có 39/85 xã, phường, thị trấn không còn hộ hội viên cựu chiến binh nghèo.
Nhằm giúp hội viên thoát nghèo bền vững, thời gian tới, Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình điểm thoát nghèo bền vững ở 9 quận, huyện và mỗi đơn vị có một mô hình kinh tế cấp xã, phường; hàng năm xây dựng mới hoặc nhân rộng từ 4-5 mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh làm ăn có hiệu quả tại cơ sở; tăng cường huy động các nguồn vốn giúp hội viên phát triển kinh tế như đẩy mạnh việc xây dựng quỹ cho vay không lãi hoặc lãi suất thấp trong nội bộ hội viên.
Để hoạt động hỗ trợ hội viên cựu chiến binh làm kinh tế đạt được hiệu quả cao, ông Huỳnh Thanh Phương cho rằng: Các cấp hội cần chủ động phối hợp với các nhà khoa học, các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề cho cựu chiến binh và con em cựu chiến binh, cựu quân nhân; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp đẩy mạnh chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp; tiếp tục củng cố, mở rộng các hình thức làm ăn kinh tế tập thể theo hướng bền vững.
Với những đề xuất, góp ý đầy tâm huyết, hội viên Hội Cựu chiến binh trên toàn quốc đều bày tỏ kỳ vọng vào thành công của Đại hội; tin tưởng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ là nơi tập hợp đoàn kết, nhân lên sức mạnh và uy tín của tổ chức Hội; từ đó đề ra nhiều giải pháp củng cố và thúc đẩy hiệu quả hoạt động phong trào cựu chiến binh trong cả nước.