Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu

Nỗ lực cho phát triển bền vững vùng

Ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý đất và nước, chủ động trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết và những hành động thiết thực, cụ thể để giải quyết những vấn đề còn bất cập… cho thấy những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, ngành chức năng và các nhà khoa học đối với nhiệm vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ: Còn nhiều thiệt hại phải đối mặt

Chu kỳ El Nino đang giảm tác động đến khu vực ĐBSCL nên tình hình hạn hán đang được đẩy lùi. Tuy nhiên, chu kỳ La Nina dự báo sẽ bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 8 năm nay, khi ĐBSCL vào mùa lũ sẽ gây ra hiện tượng ngập lụt ở các địa phương trong vùng. Trong khi vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười được xem là 2 túi chứa nước cho ĐBSCL. Và do các tỉnh đầu nguồn kiểm soát lũ xây nhiều đê bao để sản xuất lúa vụ 3 nên thu hẹp không gian trữ lũ của 2 vùng này. Vì vậy, lũ sẽ đổ xuống vùng bên dưới, gây ngập lụt đô thị.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau: Căng thẳng mùa mưa bão năm 2016

 Cứ vào mùa gió Tây - Nam, đê phòng hộ biển Tây dự báo sẽ xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét, thường xuyên uy hiếp đến đê biển của tỉnh Cà Mau. Chỉ từ giữa tháng 5/2016 đến nay giông lốc làm sập và tốc mái 210 căn nhà dân, trên 10 km đê biển bị sạt lở nghiêm trọng. Đáng chú ý là trong tháng 5/2016, Cà Mau có gần 50 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng, 5 căn nhà dân bị nhấn chìm do sụt lở. 

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu: Chủ động, cảnh giác 

Trong điều kiện biến đổi khí hậu do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Do đó, người dân cần chủ động chằng chống nhà cửa trước mùa mưa bão, gia cố bờ bao vuông tôm, ô đê bao sản xuất lúa, thực hiện các biện pháp tránh sét đánh, không ra khơi khi có thông báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới… 

Tuyến đai rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đang được khôi phục và phát triển.

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão, tỉnh cũng xây dựng các mô hình ứng phó với thiên tai; tăng cường nghiên cứu khoa học ứng dụng cho quản lý thiên tai, chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra… Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu đề nghị các cơ quan chức năng trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó, nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo vệ tính mạng nhân dân trên biển và trên đất liền; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tàu thuyền, tài sản, các công trình khi có thiên tai xảy ra; bảo vệ diện tích sản xuất, các công trình như nhà ở, trường học... 

Ông Lưu Đình Hiệp, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin địa lý - Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh: Quản lý đô thị với hạ tầng dữ liệu không gian

Thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đang đối diện với nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, mưa gió thất thường và tình trạng thiếu nước ngọt... khiến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân bị đảo lộn. Từ đó, chất lượng cuộc sống của người dân, sự hấp dẫn các nhà đầu tư vào Cần Thơ và cả khu vực cũng bị ảnh hưởng... Nếu sớm triển khai, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) sẽ thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường. Như vậy, để triển khai vận hành hệ thống SDI được hiệu quả cần phải tập trung và có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ tiếp cận với công nghệ trong lĩnh vực này để triển khai phục vụ công tác quản lý trong thời gian tới. 

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Nâng cao sức chống chọi với biến đổi khí hậu

Việc ngân hàng Thế giới phê duyệt khoản tín dụng 310 triệu USD sẽ giúp Việt Nam góp phần nâng cao sức chống chọi với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế bền vững cho 1,2 triệu người dân sinh sống tại 9 tỉnh vùng ĐBSCL đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, ngập mặn, xói lở bờ biển và lũ lụt.

Những diễn biến thời tiết khắc nghiệt gần đây tại vùng ĐBSCL, như hạn hán, ngập mặn, đang ảnh hưởng xấu đến đời sống của nông dân, trong đó phần lớn là người nghèo. Chúng tôi tin tưởng dự án mới này sẽ xây dựng được một mô hình đa ngành hiệu quả, giúp nông dân điều chỉnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hiện nay theo hướng thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

Như vậy, để làm việc hiệu quả tại địa bàn phức tạp như ĐBSCL, nơi đang phải đối mặt với cả thách thức về biến đổi khí hậu và phát triển, đòi hỏi phải có sự phối hợp hoạt động chặt chẽ với chính phủ. Dự án này cũng là một ví dụ cho thấy giá trị, lợi ích của việc hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác phát triển, đồng thời là một mô hình có thể nhân rộng ra những nước khác.

Khoản tín dụng vừa được phê duyệt sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quy hoạch theo hướng thích ứng với khí hậu cũng như tăng sức chống chọi với biến đổi khí hậu trong quản lý sử dụng nguồn đất và nước. Dự án sẽ đem lại những lợi ích trực tiếp cho nông dân (nhất là những người sản xuất lúa gạo) ở các tỉnh nằm ở phía thượng nguồn vùng châu thổ, cũng như các hộ dân nuôi trồng thủy sản, làm ngư nghiệp tại các tỉnh ven biển ở khu vực này, trong đó có người dân tộc thiểu số Kh’me ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. 

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ: Sử dụng nguồn nước thực sự khôn ngoan

Rất khó để làm lay chuyển các nước dọc sông Mekong đã và đang làm các công trình phá vỡ hoạt động bình thường của dòng sông Mekong. Do vậy, để sử dụng nguồn nước bền vững, hữu hiệu ở vùng ĐBSCL, chúng ta cần tập trung đầu tư cho vùng nước ngọt quanh năm vào việc trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước và làm nghĩa vụ một phần cho quốc tế, những nước còn thiếu lương thực. Chúng ta không nên sử dụng nguồn nước ngọt hoang phí để cung cấp cho các vùng đã bị nhiễm mặn. Đặc biệt, Việt Nam là nước duy nhất trong lưu vực sông Mekong có vùng nước lợ và mặn ven biển rất quý giá rất phù hợp để phát triển nuôi trồng thủy sản. Vì thế, chúng ta không nên hoang phí để cải tạo ngọt hóa các khu vực này để trồng lúa mà nên đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản. Nếu biết sử dụng nguồn nước sông Mekong thật sự khôn ngoan và kinh tế, chắc chắn sẽ đưa người dân ĐBSCL tăng lợi nhuận và nhanh chóng làm giàu hơn so với chỉ tập trung cho cây lúa như trước đây.      

Ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia: Bảo vệ hành lang tài nguyên nước

Hành lang bảo vệ nguồn nước là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước, hoặc bao quanh nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Hành lang bảo vệ tài nguyên nước chính là hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, hồ, kênh, rạch... Vùng đất được gọi là hành lang tài nguyên nước này có tác dụng như một lá chắn chống các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ các loài thủy sinh, chống lấn chiếm nguồn nước. Đặc biệt, nó bảo vệ, tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, tín ngưỡng… liên quan đến nước. 

Việc thiết lập, giám sát và bảo vệ hành lang tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên nước nói riêng và bảo vệ tài nguyên môi trường nói chung. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 31 Luật Tài nguyên nước năm 2012; Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Bài và ảnh: N.Đ
Đối mặt ngập lụt, sụt lún đất
Đối mặt ngập lụt, sụt lún đất

Trận hạn mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long đang được đẩy lùi khi mưa trên diện rộng bắt đầu xuất hiện tại các địa phương. Tuy nhiên, cùng với đó, những thách thức khác lại phát sinh như sạt lở và sụt lún đất…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN