Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu

Chuyện “ông Năm rừng bần”

“Ông Năm rừng bần” là biệt danh do cư dân vùng ven biển huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đặt cho ông Trầm Thanh Vân, cán bộ hưu trí, nguyên Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang để tỏ lòng tri ân đối với vị cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, góp phần bảo vệ và đem lại cuộc sống ngày càng no ấm cho người dân sống ở vùng ven biển huyện này.

Không cam chịu

Huyện Cầu Ngang có bờ biển dài khoảng 15 km nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long. Đây là bờ hữu ngạn cửa Cung Hầu, nhìn đối diện sang cù lao Long Hòa thuộc huyện Châu Thành (Trà Vinh) và huyện Thạnh Phú (Bến Tre).

Hàng năm, vào mùa gió chướng và gió bắc, các cơn sóng biển nối đuôi nhau tiến thẳng vào bờ gây sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của cư dân sống ở vùng ven biển của huyện. Chỉ tính trong giai đoạn 1975 - 1990, sóng biển đã khoét sâu vào đất liền có chiều ngang hơn 100 m, chạy dài gần 10 km, cuốn trôi hàng trăm ha đất và nhiều tài sản của người dân ra biển…

Rừng bần 20 năm tạo thành “bức tường xanh" bảo vệ cư dân vùng ven biển xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Huyện ủy, UBND huyện Cầu Ngang đã huy động hàng vạn lượt lao động ở địa phương xây dựng tuyến đê bao có bề mặt 8 mét, chạy dọc suốt bờ biển trên địa bàn huyện. Thế nhưng, những cơn sóng dữ và các đợt triều cường, nước biển dâng vào thời điểm cuối những năm 1978 và 1985, đã khiến hàng trăm mét đê ở ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam bị cuốn ra biển. Nước biển tràn vào đồng, nông dân trắng tay sau thời gian lao động vất vả vì hàng trăm ha trồng hoa màu bị ngập mặn, mất trắng.

Vào thời điểm đó, ông Trầm Thanh Vân là Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, phụ trách khối nông nghiệp. Hàng ngày đi cơ sở chứng kiến cảnh nhiều người dân địa phương phải rời quê hương đi mưu sinh, đất ven biển bị sóng biển xói mòn, khiến ông Vân biếng ăn, mất ngủ. Làm sao giữ đất, làm sao để người dân không còn bỏ xứ ra đi. Những câu hỏi ấy trở thành suy tư, trăn trở ngay cả trong giấc ngủ của ông.

Ông nhớ lời Bác dạy phải trồng cây, gây rừng và kinh nghiệm trồng cây, gây rừng trong thời kháng chiến chống Mỹ của quân dân huyện Duyên Hải - Cầu Ngang (Trà Vinh). Với suy nghĩ và trách nhiệm của mình, ông Vân đã đề xuất và được tập thể Huyện ủy, UBND huyện Cầu Ngang thống nhất đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh hỗ trợ kinh phí trồng rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ Long (nay tách thành xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long).

Lúc đó mới tái lập tỉnh được vài năm, ngân sách địa phương còn gặp không ít khó khăn, thu không đủ bù chi, nhưng UBND tỉnh Trà Vinh vẫn chi 30 triệu đồng cho huyện Cầu Ngang trồng rừng ở bãi biển Mỹ Long. Ông Vân được phân công làm chỉ huy trực tiếp triển khai thực hiện dự án này. Vấn đề đặt ra khi đi vào thực hiện là trồng cây gì cho phù hợp vùng đất bãi bồi, lại chịu được sóng to, gió lớn.

Cây bần được chọn để trồng ở bãi biển Mỹ Long. Ông Vân cùng một số cán bộ của huyện sang tỉnh Bến Tre mua 27.000 cây bần giống, đủ để phủ kín diện tích bãi biển, chiều ngang 100 m, chạy từ Bến Đáy xuống tận vàm Thâu Râu dài khoảng 7 km. Hàng trăm lao động địa phương được huy động, đóng góp cả ngàn ngày công, tranh thủ lúc nước ròng phơi bãi tiến hành trồng cây. Cẩn trọng hơn, ông Vân còn chỉ đạo mua tre cắt thành từng đoạn cắm sâu xuống đất cột giữ thân bần để chống chọi với sóng to, gió lớn. Thế nhưng, chỉ qua một đêm, nước biển dâng cao cộng thêm sóng biển đã cuốn trôi toàn bộ số bần mới vừa trồng ngày hôm trước.

Vượt qua mọi gièm pha, ông Vân cùng tập thể lãnh đạo huyện Cầu Ngang không nản chí, vẫn kiên định mục tiêu trồng cây, gây rừng ở bãi biển Mỹ Long. Ông Triệu Văn Bé, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh lúc ấy đã xuống tận hiện trường kiểm tra. Sau khi làm việc với lãnh đạo huyện Cầu Ngang, ông Triệu Văn Bé đồng tình và cho Cầu Ngang tiếp tục đầu tư trồng rừng ở xã Mỹ Long. Lần này, cây đước được nhiều ý kiến đề xuất đưa vào trồng thay thế cây bần nhưng trồng đước lần này cũng không thành công.

“Bức tường xanh” vững chãi

Ông Vân chia sẻ: “Thất bại lần này, tôi tự nhận trách nhiệm, thiếu sót về mình nhưng vẫn kiên quyết giữ quan điểm phải tiếp tục trồng rừng ở bãi biển Mỹ Long. Không ít ý kiến phản bác, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ tôi, nhất là các vị đứng đầu Huyện ủy, UBND huyện và đặc biệt là Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Văn Bé. Tôi đi khắp vùng ven biển tìm đến những người cao niên, nhiều đời bám biển trình bày ý tưởng và lắng nghe ý kiến đóng góp của họ”. Rút kinh nghiệm sau hai lần thất bại, cùng sự góp ý tận tình của các bậc cao niên, ông Vân chủ động bàn bạc với tập thể lãnh đạo huyện đi đến thống nhất quay lại trồng cây bần. Bởi vì, ở bãi biển Trà Vinh, bần mọc khắp nơi, ở đâu có bần, ở nơi đó không xảy ra xói lở mà còn được phù sa bồi đắp.

Nhớ lời dạy của ông bà ta từ xa xưa “thuận theo chiều gió”, ông Vân chỉ đạo nhân công khi bứng bần giống phải bứng luôn cả rễ lẫn đất, sau đó bỏ vào sọt tre, rồi mang về trồng cả sọt đất xuống bãi bùn. Chiếc sọt đất giữ gốc bần cố định tại chỗ, còn thân bần “thuận theo chiều gió” tự do ngả nghiêng theo chiều sóng biển. Qua từng ngày, cây bần bén rễ ăn sâu vào đất bãi bùn, vươn mình đứng thẳng, bất chấp phong ba, bão táp.

Từ vùng đất ven biển 100 m bề ngang và 7.000 m chiều dài do ông Vân chỉ huy trồng cây khoảng 25 năm về trước, đến nay, các cây bần đã to cao, sinh sôi nảy nở nhiều thế hệ đang lấn ra biển, có nơi rộng ra hơn 500 m, chạy dọc suốt 15 km bờ biển, tạo thành “bức tường” xanh bảo vệ cư dân ven biển ở xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long. Ở đây, các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm, cua… sinh sống ngày một nhiều. Người dân ven biển nơi đây thường nói vui là “lộc của rừng” ban cho và họ không bao giờ quên ơn “Ông Năm rừng bần”, người có công lớn giúp họ có cuộc sống như ngày hôm nay.
Bài và ảnh: Huy Hoàng
Đối mặt ngập lụt, sụt lún đất
Đối mặt ngập lụt, sụt lún đất

Trận hạn mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long đang được đẩy lùi khi mưa trên diện rộng bắt đầu xuất hiện tại các địa phương. Tuy nhiên, cùng với đó, những thách thức khác lại phát sinh như sạt lở và sụt lún đất…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN