Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu

Đảm bảo an ninh nguồn nước

Ngay lúc này, nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước trở thành yêu cầu có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những bước đi cần thiết

Trong khi các nước ở lưu vực sông Mekong đang nỗ lực tìm kiếm một cơ chế sử dụng nguồn nước với tinh thần quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực, hợp tác để cùng phát triển thì các chuyên gia lĩnh vực môi trường, nông nghiệp cũng cho rằng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - khu vực hạ nguồn của vùng châu thổ sông Mekong cần có những hành động mạnh mẽ để giải quyết những bất cập trong việc khai thác đồng bằng, bảo vệ và phát triển bền vững vùng sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân trước vấn đề biến đổi khí hậu và khai thác sử dụng tài nguyên nước thượng vùng châu thổ sông Mekong.

Những năm qua, Chính phủ và các tỉnh vùng ĐBSCL đã nỗ lực rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch phát triển ngành, địa phương theo hướng quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Đồng thời, các mô hình sản xuất nông nghiệp - ngành chủ lực của vùng ĐBSCL, cũng đang chuyển dần sang chiều sâu bằng việc hình thành tổ chức sản xuất liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng nhằm giải quyết bài toán đa mục tiêu, trong đó có khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nước. 

Nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Những năm qua, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các tỉnh đã nỗ lực triển khai cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, bước đầu đạt kết quả. Tại tỉnh Kiên Giang, theo ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đã có nhiều đề tài nghiên cứu lĩnh vực giống thủy sản đạt hiệu quả như: Ứng dụng thành công quy trình ương nuôi cá mú hạt dưa lên cá giống để nuôi thành cá thương phẩm; tiếp nhận và chuyển giao quy trình sản xuất giống ốc hương, sò huyết, vẹm xanh, cua biển, cá ngựa… Nhiều loại giống như cây trồng, lúa, cây ăn quả, thủy sản có năng suất, chất lượng sản phẩm cao, khả năng kháng bệnh, thích nghi điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng địa phương được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. 

Cùng với đó, nhiều quy trình sản xuất tiên tiến được áp dụng: sản xuất lúa “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”; sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ; trồng rau trong nhà lưới; công nghệ tưới tiết kiệm; quy trình xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bằng chế phẩm sinh học… Ở Kiên Giang, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở khâu làm đất chiếm 98%; bơm tưới, phun thuốc, vận chuyển 100%; gieo sạ 30%; thu hoạch 35 - 40%; sấy lúa 50%. Từ những kết quả này, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang gia tăng, sản lượng lúa và thủy sản dẫn đầu cả nước, lúa chất lượng cao chiếm gần 70%. 

Mới đây nhất, Bộ NN&PTNT có kế hoạch chuyển sang tăng diện tích sản xuất vụ thu đông, giảm diện tích lúa hè thu. Đây là vấn đề lớn vì liên quan đến tính chất thổ nhưỡng đất của từng địa phương, thích ứng với thời điểm lũ và đặc biệt là vấn đề mưu sinh của những người dân trồng lúa. Điều đáng nói, hành động  mạnh mẽ này là giải pháp phù hợp với khí hậu của khu vực ĐBSCL hiện nay.

Quản lý chặt tài nguyên nước

Tuy nhiên, những giải pháp nói trên chưa đủ nếu như chưa có những giải pháp quản lý chặt, khai thác hiệu quả tài nguyên nước. Bộ TN-MT đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét “Đề án Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh”. Đây là một thông tin đáng mừng vì đây là đề án có quy mô lớn, có định hướng dài, có phạm vi bao trùm toàn bộ diện tích lãnh thổ Việt Nam. Khi hoàn thành sẽ lập được quy hoạch tổng thể về tài nguyên nước lãnh thổ, trong đó chú trọng các giải pháp khai thác sử dụng, quản lý tổng hợp và bảo vệ tài nguyên nước đảm bảo các tiêu chí hiệu quả và bền vững ở toàn bộ các lưu vực sông lớn của Việt Nam. Đồng thời, kết quả của đề án này cũng là cơ sở quan trọng để thống nhất, định hướng cho các ngành, các địa phương lập các quy hoạch tài nguyên nước chi tiết hơn.

Nhưng ngay trước mắt, theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh nguồn nước, ngay từ đầu mùa mưa lũ, các tỉnh vùng ĐBSCL nên chủ động nghiên cứu xây dựng các hồ chứa nước đa mục tiêu, trữ nước giảm lũ, cấp nước khi hạn hán thiếu nước, tạo môi trường để duy trì hệ sinh thái thủy sinh, phát triển nuôi trồng thủy sản, kết hợp tạo cảnh quan và du lịch đặc trưng vốn có của từng địa phương. 

Bởi đây là một bước đi chủ động trong khi chờ đợi những chính sách lớn khác từ Chính phủ nhằm thúc đẩy những giải pháp lớn hơn trên bình diện toàn vùng. Đó là những cơ chế về điều phối vùng nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, địa phương giúp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; lập bản đồ cao độ đất thực tế, bản đồ lũ lụt, hạn hán trong quá khứ để thiết lập hệ thống quan trắc và dự báo sớm để xem năm tới có lũ hay hạn hán không là một ví dụ.

Kinh nghiệm từ Thái Lan - đất nước có địa hình, ngành nông nghiệp tương tự Việt Nam, cho thấy: việc xây dựng hệ thống ao, hồ trữ nước phục vụ đa mục tiêu: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân và giải quyết bài toán thoát lũ… đã mang lại hiệu quả thiết thực. Vấn đề này, TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất: “Quan điểm về quản lý nguồn nước của vùng ĐBSCL được các chuyên gia cũng đã đưa ra nhằm tạo nguồn nước, chủ động nguồn nước trong điều kiện xâm nhập mặn hay khan hiếm nguồn nước ngọt là trữ nước ngọt bằng các hồ nhân tạo. Có thể, xây dựng một số hồ ở những vùng ngập sâu, nơi mà sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả như ở Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, một số khu vực rừng U Minh (Cà Mau)… Những vùng trũng này có thể tạo ra các hồ chứa tới vài tỷ mét khối nước”.
Bài và ảnh: Đ.A
Đối mặt ngập lụt, sụt lún đất
Đối mặt ngập lụt, sụt lún đất

Trận hạn mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long đang được đẩy lùi khi mưa trên diện rộng bắt đầu xuất hiện tại các địa phương. Tuy nhiên, cùng với đó, những thách thức khác lại phát sinh như sạt lở và sụt lún đất…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN