Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu

Đối mặt ngập lụt, sụt lún đất

Trận hạn mặn lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long đang được đẩy lùi khi mưa trên diện rộng bắt đầu xuất hiện tại các địa phương. Tuy nhiên, cùng với đó, những thách thức khác lại phát sinh như sạt lở và sụt lún đất…

Sạt lở, sụt lún nghiêm trọng

Dù mới bắt đầu mùa mưa nhưng tại tỉnh Cà Mau đã liên tiếp xảy ra sụt lún đất trên diện rộng. Qua thống kê ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh, hiện có ít nhất 87 tuyến kênh mương đã bị sụt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 18 km. Hơn 1.000 km đường giao thông nông thôn bị rạn nứt. Cơ quan chức năng cảnh báo Cà Mau đang đứng trước nguy cơ sụt lún cao. 
Hiện tượng nhiều tuyến đường giao thông bị sụt lún tạo nên những hố sâu 2-3 m đã gây lo lắng cho người dân sinh sống xung quanh, cũng như các phương tiện thường xuyên lưu thông trên những đoạn đường này. Gần đây nhất, tại huyện Trần Văn Thời, đoạn sụt lún dài 29 m, ngang 5 m làm tuyến đường bê tông tại xã Khánh Hải bị hư hại nặng. Tiếp sau đó, tại xã Khánh Bình, đoạn đất ven sông bị sụt lún dài 20 m, ngang 7 m, làm tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền hai xã Khánh Bình và Khánh Bình Đông hư hỏng. 

Theo người dân địa phương, hầu hết các vụ sụt lún đất thường xảy ra bất ngờ vào ban đêm tạo nên nhiều hố “tử thần”, khiến người dân không khỏi hoang mang lo lắng. Ông Trần Quốc Yên, ở ấp 5 xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cho biết vụ sụt lún nghiêm trọng vào ngày 15/4, tại ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình tạo nên một hố sâu gần 3 m, chiều dài 25 m, ngang 8 m. Vụ sụt lún đất này đã làm tê liệt tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền từ xã Khánh Bình về trung tâm xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Sự việc này xảy ra vào thời điểm các tuyến kênh, mương đều cạn khô, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa (nước đá, xăng, dầu, thực phẩm, nông sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng…) về xã phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. 

Căn nhà của gia đình ông Lâm Văn Són, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn (Cà Mau) bị sụt lún do sạt lở đất ven sông. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Còn tại tỉnh Kiên Giang, khu vực vùng đệm huyện U Minh Thượng thuộc 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc đã có 49 căn nhà dân bị sụt lún, hư hỏng hoàn toàn, 11 căn nhà rạn nứt có nguy cơ đổ sập. Thống kê ban đầu, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Trên đường tỉnh lộ 965, đoạn tuyến đê bao ngoài U Minh Thượng nằm trên địa bàn xã Minh Thuận và An Minh Bắc hiện có 11 điểm sạt lở hết sức nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 350 m. Trên tuyến còn 8 điểm trước nguy cơ tiếp tục sạt lở, sụt lún và nhiều nhà dân bị ảnh hưởng, mất an toàn. Tại nhiều điểm sạt lở này, nền mặt đường bị sạt lở hoàn toàn, có nơi chỉ còn một phần, mặt lộ sụt lún sâu 2 m. 

Trước tình hình sụt lún, sạt lở đất nghiêm trọng tại Cà Mau, đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã thị sát tìm hiểu, đánh giá về nguyên nhân sạt lở kênh mương và sụt lún nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, khô hạn đã làm kết cấu các tầng bị yếu, cộng với việc xây cất nhà cửa và công trình kiên cố bên trên, tạo sức tải lớn trên vùng đất này, dẫn đến việc sụt lún đất liên tiếp xảy ra trên diện rộng, rất phức tạp. 

Tương tự, tỉnh Kiên Giang cũng do khô hạn đã dẫn đến tình trạng mực nước dưới kênh đê bao ngoài hạ thấp hơn mức bình thường 2 - 3 m, cách cao độ mặt đường 3 - 4 m, nền đất yếu, mất khả năng chịu lực dẫn đến sạt lở, sụt lún. Ngoài thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng, sạt lở, sụt lún tuyến tỉnh lộ 965 đã gây tắc đường, gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản của nhân dân trong vùng.

Đáng báo động

Về nguyên nhân sâu xa, sụt lún chính là hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những hiện tượng này là “giá phải trả” cho việc khai thác tài nguyên nước trên thượng vùng châu thổ sông Mekong và từ những sai lầm trong việc khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất và đời sống ở vùng ĐBSCL. 

Châu thổ sông Mekong được đánh giá là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Trái đất càng ấm lên, băng tan càng nhanh và cụ thể là vùng hạ nguồn ĐBSCL càng phải đương đầu với ngập, lún chìm, bờ biển bị xâm thực, mặn xâm nhập vào sâu. Tình hình sẽ càng trầm trọng hơn khi xuất hiện việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong. 

Theo Ủy hội sông Mekong (MRC) (2009), 6 đập thủy điện của Trung Quốc, 11 đập ở hạ lưu vực, 30 đập trên các chi lưu sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3. GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia đánh giá: “Tác động của các đập của thượng nguồn đối với trầm tích sông Mekong là rất to lớn, trong hàng trăm năm, một khi tất cả các đập đi vào hoạt động. Lượng trầm tích của sông Mekong ước tính sẽ bị các đập nói trên giữ lại vào khoảng từ 1/3 đến 1/2 của tổng lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ sông Mekong. Các đập thủy điện giữ lại trầm tích trong hồ, gây nên thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông, đáy sông, cửa biển”.

Chính vì thế, vừa qua đã xảy ra hiện tượng nước sông Hậu bỗng trong xanh như nước biển là dấu hiệu báo động cho thấy lượng phù sa từ thượng nguồn Mekong về ĐBSCL ngày càng ít. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thiếu nước ngọt vẫn còn có thể chờ mưa, trữ nước hoặc chở nước từ thượng nguồn về. Còn phù sa bị thủy điện ngăn lại sẽ mất đi vĩnh viễn không gì bù đắp được. Khi đó, sụt lún, bao gồm cả sụt lún tự nhiên, sụt lún do khai thác nước ngầm, sạt lở, nước biển dâng sẽ đáng sợ hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu, khảo sát trong những năm qua của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, mực nước biển chỉ dâng 4mm nhưng việc khai thác nước ngầm ở ĐBSCL đã làm sụt lún từ 1 - 2 cm đất. Điều này cho thấy yếu tố thách thức tại địa bàn, bên cạnh việc mất rừng ngập mặn và rừng tràm, còn là việc khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu làm trầm trọng thêm sự thâm hụt cán cân trầm tích. Việc khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún kéo theo mực nước biển dâng thực tế ngày càng nhanh hơn.

Đồng thời, theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, đê bao để sản xuất 3 vụ lúa ở ĐBSCL đang mang đến nhiều hệ lụy, trong đó nan giải nhất là lãng phí phù sa. Ngay từ những năm 1990, nhiều tỉnh, bắt đầu từ An Giang, Đồng Tháp bao đê vượt lũ để làm lúa vụ ba. Tổng diện tích lúa vụ ba có đến trên 300.000 ha. Tăng thêm thu nhập được đánh đổi bằng chế độ thủy văn bị xáo trộn bên ngoài đê bao. Bên trong thì độ phì của đất giảm sút, môi trường suy thoái.

Các chuyên gia còn lo ngại thời gian tới, người dân các tỉnh ĐBSCL lại tiếp tục oằn mình trước mưa lớn, các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông sét, gió giật mạnh, lốc xoáy liên tiếp xảy ra. Theo các chuyên gia, ĐBSCL đang bước thời kỳ chuyển mùa nên thường xuất hiện những cơn giông và lốc xoáy, sấm sét. Điều lo ngại nhất là hình thế thời tiết trung gian giữa El Nino và La Nina dường như đang khiến những hiện tượng này trở nên bất thường và theo chiều hướng cực đoan. Các cơ quan dự báo trên thế giới và ở Việt Nam đều nhấn mạnh chu kỳ La Nina dự báo sẽ bắt đầu xuất hiện vào tháng 8 năm nay, với biểu hiện là mưa lớn kéo dài trên diện rộng, bão, áp thấp nhiệt đới di chuyển hướng Tây sẽ gây nguy cơ nước dâng ven bờ. Các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với triều cường, sóng lớn sẽ tiếp tục là nguy cơ gây ngập lụt tại các khu vực trũng ven bờ và cửa sông, đặc biệt là vào cuối năm 2016.
Bài và ảnh: A.Đ
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN