Gắn khai thác với bảo vệ môi trường

Vấn đề khai khoáng bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết ở nhiều địa phương.


Hệ lụy ô nhiễm


Hà Giang là một trong những địa phương mà hoạt động khai thác khoáng sản đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên trong quá trình khai thác, tuyển luyện quặng đã thải nước trực tiếp ra các con suối như: Bản Xám, Bản Ngõa và suối Sảo. Nhiều doanh nghiệp làm bể lắng sơ sài, chỉ cần một trận mưa nước thải sẽ tràn ra môi trường làm lắng bồi, ảnh hưởng đến dòng chảy của suối. Thậm chí có doanh nghiệp còn ngăn cả dòng suối để làm bể lắng...

Khai trường mỏ đồng Sinh Quyền (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) trên địa bàn hai xã Bản Vược và Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Do khai thác khoáng sản mà nguồn nước ở xã Ngọc Minh bị cạn kiệt, ô nhiễm, ruộng bị vùi lấp, rừng bị vạt nham nhở, đường sá hư hỏng nặng. Con suối Bản Ngõa, suối Sảo trước kia trong xanh, là nguồn nước tưới tiêu cho các cánh đồng, ruộng, khi các mỏ quặng nằm dọc theo hai bên bờ suối này được khai thác, những dòng suối này đã trở thành "suối đỏ"; đất cát qua sàng lọc quặng của các điểm mỏ đang khai thác đều đổ dồn xuống. Lòng suối bị bồi lắng do đất cát, nước đục ngầu...

“Thực tế, ở nơi nào có hoạt động khai thác khoáng sản, ở đó người dân nghèo đi. Hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư xung quanh đã là tình trạng phổ biến ở nhiều nơi. Muốn quản lý tốt nguồn tài nguyên, cần xây dựng chiến lược khai thác đối với từng loại tài nguyên. Đồng thời, quan trọng nhất là việc quản lý cần có cơ chế giám sát công khai, minh bạch, là sự tham gia vào các quyết định quản lý của người dân, như một công cụ giám sát, để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc đảm bảo những vấn đề xã hội, dân sinh và môi trường trong quá trình khai thác”,

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Đây là “vấn nạn” ở hầu hết các địa phương có mỏ khai thác khoáng sản. Bà Trần Thanh Thủy, Trưởng phòng chính sách (Trung tâm con người và Thiên nhiên) cho biết, ở nhiều địa phương, tại những nơi có mỏ khai thác, người dân có ruộng mà không thể sản xuất, nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng do những mỏ khai khoáng (Yên Bái) hay đất bị ô nhiễm kim loại nặng, hàm lượng asen, hàm lượng sắt, kẽm… đều vượt chuẩn cho phép (tại Đại Từ, Thái Nguyên).

TS Nguyễn Đức Quý (Hội Tuyển khoáng Việt Nam) cho biết: Theo thống kê, có đến 80% doanh nghiệp khai khoáng có quy mô nhỏ và rất nhỏ, dưới 50 lao động. Tại các mỏ, phương pháp khai thác, chế biến chủ yếu là “giàu đào, nghèo bỏ, dễ làm, khó bỏ”. Và hầu hết đều có công nghệ lạc hậu nên tình trạng ô nhiễm, hủy hoại môi trường là điều tất yếu.

Siết quản lý khai thác

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục kiểm soát khoáng sản, Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để đảm bảo hoạt động khai thác khoáng sản bền vững, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai khoáng từ trung ương đến địa phương.

“Bộ TN&MT triển khai đề án “tăng cường năng lực cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản” nhằm hoàn thiện và đẩy mạnh giám sát hoạt động khai khoáng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án cố tình kéo dài thời gian, không triển khai công tác xây dựng cơ bản mỏ; không thực hiện nghĩa vụ khi giấy phép hết hạn; khai thác không có thiết kế mỏ; gây mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; không thực hiện nghĩa vụ thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản:, ông Lại Hồng Thanh cho biết.

Nhiều địa phương cũng đã quyết liệt siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La, từ đầu năm đến nay UBND tỉnh đã ra quyết định đóng cửa 35 điểm mỏ trong tổng số 66 điểm mỏ khai thác khoáng sản hoạt động trên địa bàn. Trong đó có 33 điểm mỏ là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường như khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Một điểm mỏ đồng thuộc khu vực bản Huổi Lóng, xã Chiềng Bằng (trước đây là xã Liệp Muội), huyện Quỳnh Nhai; một điểm mỏ chì - kẽm bản Tà Lọt, xã Tà Lại, huyện Mộc Châu. Tỉnh Sơn La cũng đang xem xét đóng cửa điểm mỏ đồng tại huyện Phù Yên vì lý do tài chính.

Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng, Sơn La thận trọng cấp giấy phép khai thác khoảng sản trên địa bàn nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng Luật Khoáng sản, lựa chọn các chủ đầu tư đủ năng lực, giảm tác động xấu của hoạt động khoáng sản đến môi trường.
Trung Hiếu - TTN
Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường
Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường

Việc thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản trong những năm qua thực tế không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Bắc Kạn, ngược lại, hệ lụy của nó quá lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN