Khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn:

Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường

Việc thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản trong những năm qua thực tế không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Bắc Kạn, ngược lại, hệ lụy của nó quá lớn.


Bắc Kạn là tỉnh có nhiều loại khoáng sản như chì kẽm, sắt, đá hoa trắng, vàng, thạch anh, đồng, sét, cát sỏi, đá vôi… Đến nay, địa bàn tỉnh đang có 44 mỏ được cấp phép khai thác và thăm dò, trong số đó, có 8 mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép, UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép 36 mỏ.
Bất cập trong quản lý, khai thác

Công nhân vận hành dây chuyền luyện chì tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn).Ảnh: TTXVN

Qua giám sát việc quản lý, khai thác khoáng sản, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho biết còn nhiều bất cập trong quản lý, bảo vệ, khai thác khoáng sản dẫn đến nhiều hệ lụy, như việc công bố các khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho tỉnh còn chậm, do vậy ảnh hưởng nhiều đến công tác lập quy hoạch khoáng sản và công tác cấp phép hoạt động khoáng sản của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật Khoáng sản.

Khai thác khoáng sản không mang lại cho Bắc Kạn nhiều lợi ích kinh tế. Nợ thuế và phí bảo vệ môi trường còn nhiều, trong khi việc vi phạm của các doanh nghiệp vẫn diễn ra, như khai thác ngoài chỉ giới, chưa thực hiện đúng các nội dung của dự án đầu tư khai thác khoáng sản, xây dựng hồ chứa nước thải chưa đảm bảo an toàn...

Trong 4 năm (2010-2014), các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã nợ thuế lên đến trên 17 tỷ đồng. Nợ phí bảo vệ môi trường lên đến trên 250 tỷ đồng. Chỉ riêng một doanh nghiệp là Công ty cổ phần thương mại và khoáng sản Nguyên Phát đã nợ cả thuế và phí bảo vệ môi trường lên đến gần 222 tỷ đồng, trong đó nợ thuế là gần 7,5 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường là trên 214 tỷ đồng.

Việc thực hiện đóng cửa mỏ của các doanh nghiệp gần như không đảm bảo với cam kết ban đầu, trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản với địa phương và người dân nơi có khoáng sản rất hạn chế. Có mỏ sau khi nghiệm thu đóng cửa mỏ, giao cho địa phương nhưng địa phương không thể chia cho dân sản xuất, vì theo quy định phải đảm bảo độ phủ đất màu cần thiết là 20 - 30cm mới có thể sản xuất được, nhưng doanh nghiệp đã không làm được điều đó, như Mỏ vàng Bản Giang, Ao Tây, xã Lương Thượng (Na Rì); mỏ vàng Tân An, xã Lạng San (Na Rì). Một số mỏ, các doanh nghiệp đã không hoàn thành việc đóng cửa mỏ như mỏ vàng Nà Làng, xã Lương Thượng (Na Rì), mỏ vàng Tốc Lù, xã Thuần Mang (Ngân Sơn) chưa có quyết định giao mặt bằng cho địa phương.

Ở đâu diễn ra hoạt động khai khoáng, ở đó đường sá bị tàn phá trầm trọng. Trao đổi với chúng tôi, cán bộ UBND xã Ngọc Phái cho biết đường giao thông của xã đã xuống cấp với những ổ voi, ổ gà do xe chở quặng tải trọng lớn thường xuyên lưu thông. Trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch xã đã đưa ra ý kiến nhưng vấn đề này vẫn còn nan giải.

Hệ lụy từ công nghệ lạc hậu

Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chủ yếu đầu tư công nghệ cũ của Trung Quốc nên hệ lụy của nó là điều khó tránh khỏi. Song, hiện tỉnh chưa có chế tài quy định bắt buộc các doanh nghiệp khi khai thác khoáng sản phải đưa công nghệ cao và có hướng dẫn tiêu chuẩn làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước địa phương làm cơ sở.

Theo ông Ma Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Kạn, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản tại Bắc Kạn đều sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Công ty nào cũng phải tính đến lợi nhuận, nên sẽ lựa chọn công nghệ và giải pháp phù hợp với năng lực của mình. Việc khai thác, chế biến khoáng sản không thể không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng mức độ như thế nào là do từng công ty. Công nghệ khai thác của các công ty dựa vào sự hợp tác với đối tác Trung Quốc. Khai thác lộ thiên, mức độ ảnh hưởng môi trường lớn, còn khai thác hầm lò ít ảnh hưởng hơn. Các mỏ nhỏ cũng phải áp dụng quy trình thăm dò theo các mỏ lớn.

Các doanh nghiệp chấp nhận quy trình đó, nhưng tất nhiên họ sẽ phải làm theo cách lập các dự án thăm dò “ma” để xin dự án. Hiện có hai kiểu doanh nghiệp làm mỏ, lấy được mỏ để khai thác thực sự, nhưng cũng có những doanh nghiệp “lấy” được mỏ để làm thế chấp, đảo vốn ngân hàng. Có doanh nghiệp có được mỏ, “vẽ” ra một dự án hoành tráng, đưa lên sàn chứng khoán, để thu lợi từ đầu tư của cổ đông. Công nghệ khai thác và chế biến ở Bắc Kạn là lạc hậu, do doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính kém; mỏ nhỏ, đầu tư lớn sẽ không đạt hiệu quả, nên các doanh nghiệp chọn giải pháp đầu tư vừa phải, và tất nhiên, công nghệ sẽ lạc hậu.

Ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cũng khẳng định các công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản ở Bắc Kạn đều của Trung Quốc, nhưng không phải là chuyên gia nên không biết công nghệ có lạc hậu hay không. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TN&MT Bắc Kạn, hiện khoáng sản khai thác ở tỉnh này chỉ thuộc dạng thô, chế biến sâu chưa có, hoặc có cũng chưa thể tận thu hết được các loại khoáng sản đi kèm. Trong chì, kẽm nghèo có indi, candimi là những khoáng chất đi kèm có giá trị kinh tế rất cao, nhưng do chưa có công nghệ tuyển, tách nên để lãng phí. Sở TN&MT tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp khi thăm dò phải xác định đầy đủ khoáng sản đi kèm để có biện pháp công nghệ thu hồi, tránh lãng phí tài nguyên.

Nguyễn Trình
Gắn khai thác với bảo vệ môi trường
Gắn khai thác với bảo vệ môi trường

Vấn đề khai khoáng bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết ở nhiều địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN