Đồng bào Xơ Đăng chung sức xây dựng nông thôn mới

Mường Hoong là một trong những xã khó khăn, nghèo nhất không chỉ ở huyện Đăk Glei mà cả tỉnh Kon Tum. Tại xã vùng III này, thôn Làng Mới được xem “vùng trũng”. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh Kon Tum, người Xơ Đăng ở Làng Mới đã dần thoát khỏi tư duy, lối mòn trong sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chú thích ảnh
Đường làng Mới đã được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp.

Làng nghèo dưới núi Ngọc Linh

Thôn Làng Mới nằm dưới chân núi Ngọc Linh, nơi có quốc bảo Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý khác. Tuy nhiên nhiều năm qua, người nơi đây vẫn không tìm được hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo. Năm 2021, thôn Làng Mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Toàn thôn có 153 hộ, chủ yếu là đồng bào Xơ Đăng; hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 1/3 số hộ.

Định cư ở nơi có chỉ dẫn địa lý về sâm Ngọc Linh nhưng với người dân thôn Làng Mới, cây trồng trên chỉ là ước mơ. Người dân nơi đây không có tiền đầu tư và đợi quả ngọt từ sâm Ngọc Linh. “Dân thôn Làng Mới toàn người Xơ Đăng, cuộc sống khó khăn, không có tiền đầu tư trồng sâm Ngọc Linh. Giá hạt giống cả trăm nghìn đồng, cây giống từ 250 - 300 nghìn đồng/cây. Cùng với đó, trồng sâm Ngọc Linh có thời gian đầu tư lâu (sau 7 năm mới khai thác) nên người dân không thể trồng. Người dân cũng không dám vay vốn để đầu tư sản xuất…” - ông Nguyễn Xuân Nguyên, hộ kinh doanh lâu năm ở thôn Làng Mới chia sẻ.

Với sâm Dây (Đẳng sâm), người dân nơi đây chỉ trồng kiểu tự phát, mọc tự nhiên nên hiệu quả không cao.

“Một bộ phận không nhỏ người dân sống an phận, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự vươn lên để phát triển kinh tế tăng thu nhập. Người dân thu nhập còn thấp, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, khó và xuống cấp. Cùng với đó, thực tế hạ tầng, giao thông đi lại ở thôn Làng Mới quá khó khăn. Đây cũng là rào cản ngăn địa phương hòa nhịp cùng cộng đồng...”. Đó là thực tế Đảng ủy xã Hơ Moong thẳng thắn nhìn nhận tại Báo cáo kết quả xây dựng nông thôn mới tại thôn Làng Mới (ngày 4/8/2024).

Điểm sáng ở vùng sâu

Chú thích ảnh
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum tặng bò sinh sản cho dân làng Mới để giúp người dân phát triển chăn nuôi.

Từ chỗ là “vùng trũng” ở xã nghèo, đến nay sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, thôn Làng Mới đã dần chuyển mình với một diện mạo mới.

Giúp dân phát triển kinh tế là mục tiêu lớn của chính quyền các cấp trong xã, tuy nhiên nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền có hạn. Do vậy, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Đây là “chìa khóa” giúp dân thoát nghèo. Cán bộ huyện, xã đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà", lên rẫy để nắm bắt, hỗ trợ, chung tay cùng dân phát triển kinh tế. Thôn Làng Mới đã thành lập Tổ liên thế hệ với 40 thành viên để mọi người chia sẻ, giúp đỡ nhau. Qua đó, tạo niềm tin cho các thành viên. Việc làm thực tế, thiết thực trên đã giúp người dân thay đổi tư duy, không còn trông chờ, ỷ lại, nỗ lực cùng chính quyền phát triển kinh tế gia đình.

Chú thích ảnh
Cà phê xứ lạnh là 1 trong 3 cây trồng chủ lực được người dân làng Mới xác định là cây để thoát nghèo, làm giàu.

Chị Y Nhíp cho biết, 3 năm qua, người dân đã mạnh dạn vay vốn trồng dược liệu, phát triển kinh tế. Chị đã mạnh dạn vay vốn để trồng sâm. Ngoài lúa nước, gia đình chị còn trồng thêm mỳ (sắn), bời lời, cà phê. Giờ đây, người dân địa phương đã chú trọng phát triển kinh tế gia đình bền vững bằng trồng dược liệu, cà phê.

Đến nay, toàn thôn Làng Mới đã có 108/153 hộ dân vay vốn phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng dược liệu với tổng dư nợ gần 8,3 tỷ đồng. Các hộ chưa vay vốn chủ yếu là gia đình neo đơn, lớn tuổi. Việc lấy ngắn, nuôi dài là giải pháp của người dân nơi đây trong giai đoạn vừa qua.

Chị Y Bia, Trưởng thôn Làng Mới cho biết: “Người dân xác định lấy ngắn, nuôi dài. Trước mắt, bà con đầu tư trồng dược liệu là sâm dây, không để mọc tự nhiên. Với ruộng lúa, nếu không làm được 2 vụ, người dân sẽ trồng các cây họ đậu, bắp. Đây là cây ngắn ngày nhanh cho thu nhập. Cùng với đó, đồng bào chú trọng trồng cà phê xứ lạnh để đem lại nguồn thu nhập ổn định, lâu dài sẽ có tích lũy để trồng sâm Ngọc Linh.”

Để đảm bảo các khoản vay phát huy hiệu quả, theo chị Y Hương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Hoong, xã sẽ đồng hành cùng bà con để theo dõi, hỗ trợ họ trong sản xuất. Chính quyền phối hợp với các sở, ngành, huyện giúp dân triển khai các mô hình, dự án như: Nuôi bò, cải tạo vườn tạp, trồng cà phê xứ lạnh… Thay đổi suy nghĩ của người dân trong phát triển kinh tế gia đình là thành công lớn của địa phương. Thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai hiệu quả cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cùng với nỗ  lực phát triển kinh tế, đồng bào Xơ Đăng ở thôn Làng Mới còn hiến đất, góp công, đưa ra các ý tưởng phù hợp thực tiễn, chung tay xây dựng địa phương khang trang, sạch đẹp, góp phần giúp chính quyền giảm chi phí đầu tư, xây dựng.

Chú thích ảnh
Việc xóa nhà tạm có sự đồng hành giúp đỡ của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3).

Từ “vùng trũng” ở xã nghèo, đến nay, thôn Làng Mới đã từng bước thoát nghèo. Cuối năm 2023, thôn còn 11 hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2024 còn 5 hộ nghèo. Người dân duy trì ổn định 18 ha sâm dây và đang mở rộng thêm diện tích. Cà phê xứ lạnh đã phát triển gần 38 ha (trong đó, năm 2024 trồng mới gần 8 ha). Địa phương đã có gần 100 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh. Thôn Làng Mới cơ bản xóa nhà tạm, đảm bảo tiêu chí 3 cứng. Thu nhập bình quân của người dân phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt 38 triệu đồng/người/năm.

Bài và ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)
Hưng Yên có huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Hưng Yên có huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Ngày 30/8, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và gặp mặt kỷ niệm 25 năm Ngày tái lập huyện (1/9/1999 – 1/9/2024).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN