Huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi Lạng Sơn

Tỉnh Lạng Sơn đã huy động, tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, xã đặc biệt khó khăn.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh buổi làm việc. 

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn diễn ra chiều 29/8.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 98/181 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ hơn 54%; bình quân đạt 14,8 tiêu chí. Địa phương có 24 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư xây dựng; kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2023) đạt từ 42 triệu đồng/người/năm trở lên. Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 129 mô hình liên kết sản xuất hiệu quả...

Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ yếu ưu tiên cho nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024 và giai đoạn 2021-2025. Do đó, nhóm các xã còn lại gặp khó khăn về nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nên cần sự hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước khá lớn. Mức độ huy động đóng góp của người dân ở mức hạn chế.

Từ thực tế đó, tỉnh Lạng Sơn đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét có chính sách ưu tiên, tăng mức hỗ trợ các nguồn vốn trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các tỉnh khó khăn như Lạng Sơn, nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi tiêu chí số 10 về thu nhập; bởi vì hiện nay theo bộ tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí về thu nhập quy định tăng 3 triệu đồng/người/năm theo từng năm chưa hợp lý...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đánh giá cao sự linh hoạt, chủ động của tỉnh Lạng Sơn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn; mong rằng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Về những ý kiến, đề xuất của tỉnh liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đoàn công tác tiếp thu, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chính phủ, các bộ, ngành để nghiên cứu, xem xét có cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện từng vùng, miền...

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã khảo sát kết quả xây dựng nông thôn mới ở xã Chi Lăng - xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Tin, ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Thu hút nhân lực y tế cho khu vực miền núi, vùng sâu, xa
Thu hút nhân lực y tế cho khu vực miền núi, vùng sâu, xa

Để mọi người dân đều được nhận được quy trình chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt nhất, đặc biệt ở những địa bàn miền núi, khó khăn, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm dành nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Từ đó, chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN