Cơ hội cho cây ăn quả ôn đới ở Tây Bắc

Tuần Tin Tức số 40 đã đăng tải Chuyên đề “Phát triển cây ăn quả ôn đới ở Tây Bắc” đề cập đến việc ây ăn quả ôn đới đang vươn lên khẳng định vị thế mới ở vùng này. TS Lưu Ngọc Quyến, Phó Viện trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây ôn đới và cây dược liệu, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đưa ra những ý kiến xung quanh vấn đề này.

Những năm gần đây, đã có nhiều dự án trồng cây ăn quả ôn đới được thực hiện ở các tỉnh Tây Bắc, ông đánh giá thế nào về việc này?

So với các đối tượng cây trồng khác, những năm qua chúng ta cũng chưa có nhiều các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu và phát triển cây ăn quả (CAQ) ôn đới. Mặt khác do hạn chế về kinh phí và thời gian thực hiện cho nên các đề tài mới tập trung vào thu thập, nhập nội các giống cây ăn quả ôn đới mới; khảo nghiệm giống mới tại một số vùng sinh thái; nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác cho một số cây trồng; xây dựng mô hình sản xuất cho một số giống cây ăn quả ôn đới mới ở nông hộ tại một số địa phương.

TS Lưu Ngọc Quyến.

Tuy nhiên chưa có các nghiên cứu sau thu hoạch, bảo quản và đặc biệt các nghiên cứu về thị trường. Hiện chúng ta cũng chưa có nhiều các nghiên cứu về quy hoạch các vùng trồng CAQ ôn đới để khuyến cáo cho các địa phương vì CAQ ôn đới là cây đòi hỏi khí hậu lạnh đặc thù và mỗi loại, giống lại có những yêu cầu về độ lạnh khác nhau, do đó việc xác định vùng canh tác thích hợp cho từng loại cây là rất quan trọng. Do vậy, trong thời gian tới rất cần có các nghiên cứu với thời gian dài hơn và sâu hơn nữa để tạo được các gói công nghệ hoàn chỉnh hơn cho việc khuyến cáo, mở rộng sản xuất các giống CAQ ôn đới có triển vọng (đặc biệt là các giống nhập nội) tại các vùng khí hậu ôn đới phía Bắc.

Với các dự án phát triển CAQ ôn đới mà chúng ta đã thực hiện phần lớn là các dự án nhỏ của các tỉnh, tập trung chính vào việc hỗ trợ các hộ (giống, phân bón, kĩ thuật) để xây dựng các vườn CAQ ở quy mô hộ nhỏ cho nên việc tạo sản phẩm thành hàng hóa với CAQ ôn đới còn rất hạn chế. Hiện nay toàn vùng mới có khoảng 12.500 ha trồng cây ăn quả ôn đới (mận, mơ, hồng, đào, lê...) và cây mận vẫn là cây trồng có diện tích lớn nhất (Mộc Châu có khoảng gần 1.800 ha, Bắc Hà khoảng 1.000 ha) và lượng sản phẩm tạo ra đủ lớn để tạo thành một ngành hàng, còn các cây trồng khác còn ít và nhỏ lẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng phần lớn các dự án đều dừng lại ở việc chuyển giao giống mới, tiến bộ kỹ thuật mà chưa quan tâm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, từ trồng trọt đến tiêu thụ dẫn đến tiềm năng này của các tỉnh Tây Bắc vẫn chưa được phát huy, ông có bình luận gì?

Thực sự các đề tài, dự án mà chúng ta đã thực hiện trong thời gian qua vẫn chưa giải quyết mang tính đồng bộ và hệ thống, chúng ta mới tập trung cho các hoạt động về kĩ thuật như thử nghiệm và mở rộng các giống mới, tập huấn và hướng dẫn kĩ thuật mà chưa quan tâm đến xây dựng chuỗi sản phẩm. Cụ thể, chúng ta chưa có nhiều các nghiên cứu về thị trường trong và ngoài nước về đối tượng cây trồng này, để có định hướng phát triển hoặc điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Mặt khác, các nghiên cứu về bảo quản sau thu hoạch, chế biến của chúng ta còn yếu, chưa đề xuất được nhiều các giải pháp kĩ thuật để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm tươi hay chế biến thành các dạng sản phẩm khác để nâng cao giá trị.

Hiện cũng chưa có giải pháp nào để các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất loại cây trồng này, hay chưa có các hoạt động tạo sự liên kết các nông hộ để có thể xây dựng vùng sản xuất CAQ ôn đới tập trung, nên sản xuất còn nhỏ lẻ, rất khó khăn cho việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm (mặc dù 1 số tỉnh đã có những sản phẩm khá nổi tiếng, hiện mới có nhãn hiệu hồng không hạt Bắc Kạn) và tạo sản phẩm thành một ngành hàng. Việc tiêu thụ sản phẩm với một số cây trồng đã có diện tích lớn như mận, hồng chủ yếu dựa vào các tư thương thu gom và bán buôn cho các thị trường trong nước, còn các đối tượng khác như: đào, lê chủ yếu là tiêu thụ tại chỗ do sản lượng ít.

Để cây ăn quả ôn đới trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào vùng Tây Bắc, theo ông cần phải có những bước đi cụ thể nào?


Theo nghiên cứu, vùng miền núi phía Bắc có khoảng 150.000 ha thích hợp cho phát triển chủng loại CAQ ôn đới, tập trung ở 7 tỉnh (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng và Bắc Kạn) và một số tiểu vùng nhỏ ở các tỉnh khác, được phân bố tại các huyện có độ cao từ 600 - 1.500 m so với mặt biển. Một lợi thế khác là hầu hết các vùng này đều là những vùng du lịch như: Sa Pa, Bắc Hà, Mộc Châu, Đồng Văn...

Quả mận đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường.

Đây là một lượng khách có nhu cầu cao về các loại nông sản địa phương làm quà mà sản xuất hiện nay không đủ cung cấp. Như vậy, phát triển CAQ ôn đới tại các vùng lạnh này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm công ăn, việc làm và tăng thu nhập đáng kể và tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc trong vùng. Để có thể phát triển CAQ ôn đới ngay từ bây giờ phải có các nghiên cứu tổng thể để xây dựng được chiến lược lâu dài cho việc phát triển CAQ vùng miền núi như: Xây dựng quy hoạch vùng có khả năng trồng cho từng loại cây, xác định giống, cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng theo các độ lạnh CU (chilling Unit); nghiên cứu thị trường để có kế hoạch sản xuất tạo sản phẩm lệch vụ, khác loại với Trung Quốc; Đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu về giống, kĩ thuật canh tác, sau thu hoạch, chế biến đa dạng sản phẩm và tạo sản phẩm độc đáo tại mỗi vùng. Đặc biệt các nghiên cứu về phát triển các giống mới; sản xuất và cung ứng giống cây chất lượng cho sản xuất cần được đẩy mạnh hơn nữa (hiện chúng ta có rất ít các cơ sở sản xuất giống CAQ ôn đới).

Cần có các hỗ trợ hơn nữa cho đồng bào vùng cao sản xuất CAQ ôn đới (cả về kĩ thuật và vật tư) vì đây là đối tượng cây trồng đòi hỏi kĩ thuật cao và điều kiện đầu tư của người sản xuất còn hạn chế. Tổ chức sản xuất (liên kết nông dân, kết nối doanh nghiệp) và xây dựng thương hiệu sản phẩm; ứng dụng khoa học kĩ thuật tạo sản phẩm chất lượng, an toàn; Xây dựng vùng trồng CAQ gắn kết với các tour du lịch theo hướng nông nghiệp sinh thái, khai thác tối đa thị ­­trường du lịch tại chỗ. Ngay cả việc thông tin sản phẩm quả ôn đới đến người tiêu dùng trong nước cũng cần được đẩy mạnh, hiện tượng giả mạo quả Việt Nam nhập từ Trung Quốc trong thời gian qua (táo đá Hà Giang, đào nhẵn Sa Pa...) vừa là tín hiệu mừng vì uy tín hàng Việt, nhưng cũng là điều lo ngại khi không thông tin rõ sẽ làm lẫn lộn và mất giá trị của quả ôn đới sản xuất trong nước.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Trọng Thủy (thực hiện)
Bắc Giang sẽ tổ chức lại sản xuất vùng cây ăn quả
Bắc Giang sẽ tổ chức lại sản xuất vùng cây ăn quả

Bắc Giang có diện tích cây ăn quả đứng thứ tư cả nước, đặc biệt diện tích cây vải thiều đang lớn nhất nước. Ba năm lại đây, tỉnh tập trung nhiều giải pháp mở rộng vùng sản xuất và xúc tiến tiêu thụ trái cây, nhằm hướng đến phát triển sản xuất bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN