Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, trong số trên 52.000 ha cây ăn quả trên địa bàn hiện nay, có 40.629 ha vải thiều. Bên cạnh đó là 2.541 ha cây na, 1.588 ha nhãn, 1.562 ha hồng, 1.000 ha chuối, 417 ha xoài, 1.246 ha dứa... Cây ăn quả được phát triển ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều ở các huyện Lục Ngạn 21.980 ha, Lục Nam 9.330 ha, Yên Thế 7.209 ha, Tân Yên 3.142 ha... Do nông dân các huyện đã có kinh nghiệm trồng cây ăn quả, nên sản lượng, giá trị thu nhập từ cây ăn quả của tỉnh ngày càng tăng, bình quân chiếm khoảng 13,5% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp và khoảng 17% tổng giá trị riêng ngành trồng trọt của tỉnh.
Vườn cam Đường Canh của nông dân thôn Đoàn Kết, xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Báo Bắc Giang. |
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, để đẩy mạnh đưa trái cây nói riêng và nông sản của tỉnh vào hệ thống siêu thị hiện đại, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, trong đó chú trọng các thị trường tiềm năng, cần quan tâm xây dựng thương hiệu, sản phẩm có nhãn mác, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì cho trái cây phải có logo để khách hàng dễ nhận biết chất lượng đặc thù của sản phẩm.
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trên cơ sở thực tế các vùng cây ăn quả hiện có của Bắc Giang, tỉnh đang triển khai tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình trong việc sản xuất trái cây chất lượng tốt, xây dựng thương hiệu đặc sản cây ăn quả của Bắc Giang. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết tạo thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ.