Thu hút nhiều dự án lớn
Số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bắc Giang cho biết, đến hết tháng 10/2016, Bắc Giang đã thu hút được 151 dự án đầu tư, trong đó có 112 dự án đầu tư trong nước, với vốn đăng ký hơn 12 nghìn tỷ đồng; 39 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký hơn 6.189 triệu USD. Bên cạnh đó, 18 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài điều chỉnh tăng vốn thêm 68,6 triệu USD. Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT Bắc Giang, đây là năm giá trị thu hút vốn đầu tư vào tỉnh lớn nhất từ trước đến nay.
Đưa phóng viên mục sở thị toàn khu công nghiệp (KCN Quang Châu, ông Trần Văn Thống, Trưởng phòng Quản lý đầu tư, Ban quản lý KCN Quang Châu cho biết, nếu như cả chục năm trước đây, các khu công nghiệp tập trung của tỉnh, chỉ thu hút được các dự án nhỏ và vừa, chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước. Nhưng kể từ khi quốc lộ 1A mới hoàn thành, các tuyến đường tỉnh lộ mở rộng, kết nối với Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng và đặc biệt quyết liệt cải cách hành chính, thì các nhà đầu tư lớn đã ồ ạt đổ về tìm hiểu đầu tư.
Sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Nhà máy Vinasola, Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. |
Các dự án đầu tư điển hình vào Bắc Giang năm 2016 bao gồm dự án “Hạ tầng kho bãi Trung tâm Logistic Quốc tế thành phố Bắc Giang, với vốn đầu tư 4.194 tỷ đồng; dự án “Nhà máy sản xuất tai nghe, dây kết nối New Wing” với tổng vốn đăng ký 100 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện Vina cell Technology” với tổng vốn đăng ký 80 triệu USD...
Lãnh đạo Sở KH&ĐT Bắc Giang cho biết thêm, tới đây một số dự án lớn sẽ tiếp tục được chấp thuận chủ trương đầu tư như dự án Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang, với vốn đầu tư 22.546 tỷ đồng; dự án Nhà máy nhựa Khải Tinh - Việt Nam của Công ty Hendy Wenzhou & Plastic Co Ltd., với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD và dự án Công ty JA Solar Việt Nam tại KCN Quang Châu với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 280 triệu USD...
Thiên thời, địa lợi cần nhân hòa...
Lý giải hiện tượng đột phá trong thu hút đầu tư của tỉnh, ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, do chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Giang năm 2014, 2015 đứng ở vị trí rất thấp nên lãnh đạo tỉnh đã đặt quyết tâm phải tạo ra đột phá về cải cách hành chính, tạo thông thoáng trong môi trường kinh doanh. Tỉnh ra Nghị quyết 73 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ và chỉ tiêu trong từng lĩnh vực và mỗi sở, ngành phải chịu trách nhiệm lĩnh vực mình phụ trách. Xác định không để có “nút thắt”, tỉnh tập trung trụ sở các sở, ngành và bộ phận một cửa về tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh. Mọi thủ tục hành chính được giải quyết trên hệ thống phần mềm để giúp lãnh đạo tỉnh biết hồ sơ đang tồn đọng ở bộ phận nào để thúc đẩy cải cách quy trình tốt hơn. Tiết kiệm thời gian cho nhà đầu tư (NĐT), tỉnh thành lập 2 tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp. Khi NĐT đến với tỉnh, tổ tư vấn sẽ tìm hiểu nhu cầu, giới thiệu địa điểm, đưa nhà đầu tư đi thực tế. Khi NĐT đồng ý, tổ tư vấn sẽ tiếp tục giúp nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục đăng ký đầu tư.
Ông Trịnh Hữu Thắng cho rằng, khi giao thông được kết nối, Bắc Giang đang có vị thế “thiên thời, địa lợi”, giờ cần yếu tố nữa là “nhân hòa”. Đó là chất lượng bộ máy cán bộ công vụ của tỉnh phải chuyên nghiệp, trình độ và trách nhiệm hơn nữa. Hội đủ ba yếu tố này thì thu hút đầu tư của Bắc Giang sẽ đạt mục tiêu: thu hút dự án quy mô lớn; dự án có hàm lượng công nghệ cao và giải quyết nhiều lao động cho địa phương.
Tỉnh Bắc Giang cũng cam kết nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông, điện, nước, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi quanh các KCN để NĐT và công nhân yên tâm đầu tư, làm việc. Đặc biệt trong năm 2017, tỉnh sẽ tập trung rà soát quỹ đất để dành sẵn quỹ đất sạch. “Nhiều năm xúc tiến thu hút đầu tư, chúng tôi rút ra kinh nghiệm, chẳng giải pháp nào hiệu quả bằng chính việc phục vụ tốt các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn. Khi họ cảm nhận môi trường kinh doanh tốt, chính họ là những người xúc tiến đầu tư hiệu quả cho tỉnh...”, ông Thắng nói.