Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Đắk Lắk - Bài cuối: Cần có những giải pháp hiệu quả

Theo Luật Trẻ em, trẻ có những quyền cơ bản như: Quyền sống, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ, nuôi dưỡng, học tập, vui chơi giải trí... Trước thực trạng báo động về tai nạn đuối nước ở trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em và trẻ em lao động trái pháp luật, tỉnh Đắk Lắk cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả để khắc phục những bất cập, bảo đảm cho trẻ được hưởng các quyền theo Luật.

Chú thích ảnh
Huấn luyện viên hướng dẫn trẻ em học bơi ở huyện Cư M’Ga. 

Tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 cấp tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017-2020; giúp 40% trẻ em trên địa bàn tỉnh biết kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; cấp 48 bể bơi thông minh cho các trường phổ thông và 10 huyện. 

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng, cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước ở trẻ em, công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Các cấp chính quyền cần quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo sân chơi an toàn cho trẻ trong dịp hè; bàn giao sớm danh sách và số lượng trẻ em nghỉ hè cho địa phương lên kế hoạch quản lý; tăng cường vận động các nguồn xã hội hóa đầu tư hồ bơi, bể bơi.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư M’Gar đề xuất, công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trên pa-nô, áp phích chủ yếu có hiệu quả ở khu vực trung tâm và khu vực đô thị, chưa hiệu quả đối với vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống đuối nước trên hệ thống truyền thanh cơ sở đến tận thôn, buôn, hộ gia đình. Ngoài ra, cần kêu gọi người dân rào chắn ao, hồ tự phát trong rẫy, gần nhà và có nắp đậy an toàn đối với giếng nước đào, bể chứa nước.

Để tạo sân chơi cho trẻ và hạn chế tình trạng đuối nước trẻ em cao điểm vào mỗi dịp hè, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tổ chức các cuộc thi trực tuyến cho trẻ tham gia, đẩy mạnh dạy bơi cho trẻ ở vùng sâu vùng xa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân chơi thiếu nhi – công trình măng non tiêu biểu cho 184 xã, phường, thị trấn. Cùng với các chiến dịch tình nguyện hè, tổ chức cơ sở Đoàn và Hội đồng Đội các cấp đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm thực tế tại khu dân cư cho trẻ em; dạy trẻ tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc hoặc dạy học, ôn tập hè cho trẻ.

Anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ nguồn Trung ương Đoàn hỗ trợ, trong dịp hè này, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tặng 5 bể bơi di động, tổng trị giá 200 triệu đồng cho 5 trường Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh.  

Để giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật, theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng, cấp cơ sở cần tăng cường công tác quản lý thôn, buôn và báo cáo ngay các trường hợp trẻ em đi lao động để có biện pháp ngăn chặn kịp thời; cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong việc hỗ trợ thông tin, xử lý doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em; hình thức xử phạt phải bảo đảm tính răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo về tác hại của tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật đến từng hộ dân. Khi vận động trẻ em đi lao động trái pháp luật quay trở về địa phương, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương về tạo điều kiện cho các em vừa học văn hóa, vừa học nghề mang tính thực tiễn cao, có thể mang lại thu nhập tại nơi trẻ em sinh sống.

Về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, theo ông Trần Phú Hùng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành để giải quyết sớm các vụ việc khi phát hiện. Các cấp, ngành cần tiếp tục tuyên truyền về Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và số điện thoại đường dây nóng của tỉnh 02623951567 để người dân, trẻ em lên tiếng tố giác tội phạm; đề xuất giải pháp để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, vận động gia đình không mặc cảm, nhìn thẳng vào sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để đưa sự việc ra ánh sáng, sớm xử lý đúng người, đúng tội.

Mới đây, ngày 28/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 19 về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Công văn nêu rõ, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em vào chương trình hành động của địa phương, coi kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí bình xét thi đua; nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em…

Ông Y Khút Niê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trẻ em phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có phương pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi vùng miền và phong tục tập quán ở từng địa phương; cần chú trọng giáo dục, trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho các đối tượng dễ bị xâm hại. Ông Y Khút Niê kiến nghị, cần xem xét, có biện pháp xử lý nghiêm về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi thiếu sự quan tâm, chậm tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Cũng theo ông Y Khút Niê, chế tài xử phạt tội phạm xâm hại trẻ em chưa đủ sức răn đe, do đó Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, sửa đổi pháp luật hình sự xử lý đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em một cách nghiêm khắc, đủ sức răn đe để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đẩy lùi tội phạm xâm hại trẻ em.

Bài và ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Đắk Lắk: Bài 1 - Những con số 'biết nói'
Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Đắk Lắk: Bài 1 - Những con số 'biết nói'

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em song vẫn tồn tại những hạn chế nhất định như số trẻ em bị đuối nước gia tăng, tình hình trẻ em bị xâm hại và lao động trái pháp luật diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN