Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em dịp hè

Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại tai nạn thương tích trẻ em. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 9 vụ đuối nước làm 16 trẻ tử vong.

Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cấp, ngành, cơ sở giáo dục và ngay trong mỗi gia đình, cá nhân cần tăng cường hơn nữa biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm 

Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 23/4, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm biển thuộc địa phận thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa không may nước biển cuốn trôi 4 em. Nhận được thông tin, lực lượng Công an, Biên phòng và các lực lượng khác đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng người dân địa phương tổ chức tìm kiếm người mất tích.

Đến khoảng 15 giờ ngày 23/4, các lực lượng tìm thấy thi thể đầu tiên. Sáng 25/4, sau nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm thi thể 2 nạn nhân tại vùng biển xã Ngư Lộc và Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Đến chiều cùng ngày (25/4), người dân xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc phát hiện thi thể thứ 4 trôi dạt vào khu nuôi ngao của người dân…

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoằng Hóa, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của 7 trẻ.

Nguyên nhân xảy ra những vụ tai nạn đuối nước do kiến thức phòng tránh, sơ cấp cứu tai nạn đuối nước của người dân còn hạn chế, đặc biệt nhiều trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan và thiếu kỹ năng xử lý tình huống khi xuống nước. Ngoài ra, môi trường sống của trẻ chưa thực sự an toàn, nhiều nhà sống gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, các giếng, bể nước, hố… không đảm bảo an toàn.

Ông Lê Văn Lộc, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hoằng Hóa cho biết, trước thực trạng gia tăng tình trạng đuối nước ở trẻ vào mỗi dịp hè, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ. Theo đó, các địa phương rà soát và phát hiện kịp thời công trình chứa nước, khu vực ao hồ, sông, vùng nước nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ.

Huyện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, trường học... để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tại huyện Quảng Xương, ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng về ngăn chặn tai nạn đuối nước, nhất là tại các địa phương ven biển, có ao, sông, hồ. Huyện rà soát đặt biển cảnh báo tại khu vực nguy hiểm, đồng thời giao trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương.

Mặc dù vậy, tai nạn vẫn rình rập với trẻ em nếu không có sự giám sát, quản lý của các gia đình, đặc biệt là trong thời gian đang nghỉ hè như hiện nay.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện Quảng Xương đã xảy ra 2 vụ đuối nước, làm 4 trẻ tử vong. Mới đây nhất, vào khoảng 16 giờ ngày 9/6, một nhóm gồm 5 em nhỏ ở xã Quảng Nham cùng nhau ra bãi biển tắm nhưng do sóng to 3 em bị sóng cuốn trôi đẩy ra xa mất tích, dẫn đến tử vong, trong đó có 2 em là anh em ruột trong một gia đình.

Cần sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. 

Theo đó, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em; tăng cường truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, hướng dẫn, vận động các gia đình quan tâm, tăng cường giám sát trẻ em (đặc biệt là trẻ nhỏ) trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa lũ.

Các địa phương tổ chức lớp dạy bơi an toàn và  kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ; kiểm tra, rà soát kịp thời khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo, có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão như: Làm rào chắn, biển cảnh báo tại sông, suối, ao, hồ, công trình công cộng, công trình xây dựng trên địa bàn…

Ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng Phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa cho biết, để không còn xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm, nhất là dịp nghỉ hè, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên trách, việc cần thiết nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở của bậc cha mẹ với con em mình.

Gia đình cần quan tâm xây dựng các tiêu chí cam kết trách nhiệm xây dựng ngôi nhà an toàn, thường xuyên quan tâm giám sát, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Đặc biệt, gia đình cần chủ động đưa các em đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước để phòng, chống đuối nước cho trẻ…

Khiếu Tư (TTXVN)
Dạy bơi miễn phí cho trẻ để hạn chế nguy cơ đuối nước
Dạy bơi miễn phí cho trẻ để hạn chế nguy cơ đuối nước

Mỗi dịp hè, tỷ lệ trẻ bị đuối nước ở tỉnh Quảng Trị lại tăng cao. Trước tình hình trên, để hạn chế nguy cơ tai nạn đuối nước, Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hàng loạt các lớp dạy bơi cho trẻ đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng trũng, vùng sâu, vùng xa…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN