Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Đắk Lắk: Bài 1 - Những con số 'biết nói'

Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em song vẫn tồn tại những hạn chế nhất định như số trẻ em bị đuối nước gia tăng, tình hình trẻ em bị xâm hại và lao động trái pháp luật diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Người dân trục vớt thi thể một cháu bé bị đuối nước dưới đập nước. Ảnh: baodaklak.vn

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, trong 5 năm (2016 – 2020), trên địa bàn tỉnh có 5.579 trẻ em bị tai nạn thương tích (ngã, bỏng, tai nạn giao thông, ngộ độc, súc vật cắn, điện giật, hóc, nghẹn…); trong đó có 517 trẻ tử vong. Trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất với 306 trong tổng số 517 em. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 41 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Tai nạn đuối nước là câu chuyện buồn của gia đình anh Thào Văn Lìn ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Chiều 24/5, hai con trai 4 và 5 tuổi của anh Lìn theo cha mẹ đi cắt lúa, trong lúc cha mẹ mải làm việc, hai cháu chẳng may ngã xuống vũng nước sâu, bị đuối nước dẫn đến tử vong. Hoàn cảnh của gia đình anh Lìn khó khăn, vì không có ai trông con nên vợ chồng anh phải đưa con đi làm cùng. Vợ anh Lìn gặp nhiều khó khăn khi sinh nở nên khi mất cùng lúc cả hai con, nỗi đau càng thêm xót xa. 

Một câu chuyện đau lòng khác là gia đình chị H’Ben Êban, buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’Gar, cũng vừa mất con trai út 10 tuổi trong ngày 9/6. Hôm đó con trai chị theo cha ra ruộng gần nhà, chỉ vài phút cha không để ý, cháu bé trượt chân ngã xuống hồ cách ruộng 300m, chồng chị H’Ben Êban nhảy xuống cứu nhưng đã muộn.  

Theo nhận định của ngành chức năng Đắk Lắk, đa số các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn có đặc điểm chung là thiếu sự giám sát và quản lý của người lớn, thường xảy ra vào quãng thời gian cuối năm học và đầu mùa hè; trẻ thiếu kỹ năng lẫn kiến thức khi đi tắm ở sông, suối, ao, hồ. Những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em chủ yếu xảy ra trong cộng đồng và gia đình; đặc biệt nhiều vụ đuối nước xảy ra ở ao, hồ do người dân đào tự phát để phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, nhưng không rào chắn cẩn thận.

Một con số báo động khác là tình trạng xâm hại trẻ em. Theo thống kê, trong 6 năm (2015 – 2020), trên địa bàn tỉnh có 331 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 225 trẻ bị xâm hại tình dục. Từ ngày 15/12/2020 – 14/6/2021, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 26 bị hại, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều vụ việc có tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề cho trẻ em và gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 24/6/2021, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột truy tố bị can Võ Văn Định (sinh năm 1990, trú tại phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, theo Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo cáo trạng, trong thời gian ở chung phòng trọ tại phường Tân Lợi (thành phố Buôn Ma Thuột), Định đã 2 lần thực hiện hành vi giao cấu với cháu M. (sinh năm 2005, tên nạn nhân đã được thay đổi), là cháu ruột gọi Định bằng cậu. Sự việc được phát hiện vào ngày 17/12/2020, người thân của M. phát hiện cháu sử dụng que thử thai nên gặng hỏi, biết sự việc và đã tố giác hành vi của Định đến cơ quan chức năng. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng cùng gia đình đưa cháu M. đến bệnh viện khám thì phát hiện bé gái này đã có thai 7 tuần tuổi.

Trước đó, ngày 18/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Y Căn Knul (sinh năm 1953, trú tại buôn Ea Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) để điều tra về hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Thông tin ban đầu, 11 giờ ngày 30/5/2021, Y Căn đến nhà một người trong buôn chơi và uống rượu. Đến 14 giờ cùng ngày, nảy sinh ham muốn tình dục nên Y Căn về nhà tìm cháu H.S.N. (sinh năm 2006, là cháu ngoại ở cùng nhà) để quan hệ và thực hiện hành vi giao cấu. Sự việc bị em gái của H.S.N. phát giác và kể lại với mẹ là chị H.P.N. (sinh năm 1984). Chị H.P.N. đã làm đơn tố cáo hành vi của Y Căn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Cư Kuin.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng và có tính chất rất nghiêm trọng, thể hiện qua việc đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục nhiều lần. Các nạn nhân bị xâm hại phần lớn là nữ giới, chủ yếu ở lứa tuổi từ 13 – 16 tuổi. Nguyên nhân các vụ xâm hại do cha mẹ bận để các em ở nhà một mình, ít được quản lý và bảo vệ; nhận thức của các em còn hạn chế nên không kịp thời báo cho cha, mẹ và người thân biết để có biện pháp bảo vệ, ngăn chặn; ảnh hưởng của lối sống thực dụng, tha hóa, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật của đối tượng phạm tội. Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật cũng là vấn đề nhức nhối. Theo thống kê, trong 5 năm (2016 – 2020), tỉnh Đắk Lắk có 701 trẻ em đi lao động xa gia đình, làm nghề may mặc ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Các huyện có số trẻ đi lao động trái pháp luật nhiều như: Krông Bông, Lắk, Cư M’Gar, Ea Kar. Điều đáng nói là số trẻ này do chưa đến độ tuổi lao động, phần lớn đi làm không có hợp đồng lao động, làm việc vất vả.

Em H.Q.E. (sinh năm 2007, buôn Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) là 1 trong 54 trẻ em của tỉnh Đắk Lắk đi lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2020. Theo lời kể của H.Q.E., học hết lớp 6, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghe lời rủ rê của bạn bè “đi làm ở miền Nam nhiều tiền, lương cao, được làm trong mát” nên tháng 6/2020, H.Q.E. cùng 4 người bạn khác đi làm cho một cơ sở may mặc tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế H.Q.E. phải làm việc hơn 10 tiếng (từ 6h – 12h và 19h – 24h) mỗi ngày. Lương tháng đầu là 1 triệu đồng, từ tháng thứ 2 là 4 triệu đồng. Tuy công việc cực nhọc, tăng ca mệt mỏi, lương không đủ sống song H.Q.E. cho biết, năm sau sẽ tiếp tục đi làm vì muốn giúp đỡ cha mẹ.

Bài cuối: Cần có những giải pháp hiệu quả 

Hoài Thu (TTXVN)
Tặng hơn 5.000 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em vùng dịch
Tặng hơn 5.000 bộ đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em vùng dịch

Ngày 22/6, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận tài trợ 5.100 bộ đồ dùng thiết yếu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc dành cho nữ hội viên nông dân và trẻ em gái có nguy cơ cao bị bạo lực do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN