Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thời điểm hiện tại có lẽ cơ quan quản lý đang lo ngại nhất vấn đề chịu tải, bởi hiện nay thanh khoản của thị trường đã đạt hơn 1 tỷ USD.
Chỉ tính riêng sàn HOSE, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 8 ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 994,96 triệu cổ phiếu, với giá trị giao dịch bình quân phiên 22.071 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 13,64% về khối lượng và 20,81% về giá trị giao dịch bình quân phiên so với tháng 7/2023.
Đến tháng 9, thanh khoản trên thị trường tiếp tục tăng mạnh. Đơn cử phiên 11/9, thanh khoản trên HOSE đã đạt tới gần 32.134 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo công bố mới nhất từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 188.298 tài khoản trong tháng 8/2023, tăng 25% so với lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 và là mức cao nhất trong vòng hơn một năm kể từ tháng 7/2022. Thị trường chứng khoán diễn biến sôi động, cùng với việc lãi suất ngân hàng giảm được cho là nhân tố thu hút thêm nhà đầu tư, từ đó, thanh khoản ngày càng tăng.
Ông Minh cho rằng, tuy hệ thống giao dịch chứng khoán tại HOSE mới được Công ty cổ phần FPT nâng cấp, nhưng nền tảng của hệ thống vẫn rất cũ. Với bối cảnh thanh khoản ở thị trường hiện tại, hoặc khả năng cao là thanh khoản vẫn “neo” ở mức này thì áp lực lên hệ thống là rất lớn. Đây là rủi ro có thể gây ra hiện tượng nghẽn lệnh cần cân nhắc.
“Vì vậy việc yêu cầu dừng ngay đặt lệnh tự động là cần thiết để tránh rủi ro trong tương lai. Bởi nếu nghẽn lệnh chứng khoán xảy ra thì rõ ràng là nhà đầu tư thiệt hại”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cảnh báo những rủi ro từ sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động là chính xác, đúng đắn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn chúng ta không thể tránh, hoặc đi ngược lại xu hướng của thế giới. Việc đặt lệnh tự động là nhu cầu của nhà đầu tư và còn giải quyết câu chuyện thanh khoản của thị trường, ông Minh nhìn nhận.
Vị chuyên gia đề xuất nên có kế hoạch, lộ trình cho việc triển khai giao dịch chứng khoán bằng robot và nên luật hóa, có quy định cụ thể. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc (KRX), nâng cấp hạ tầng giao dịch, nhằm đáp ứng được các sản phẩm mới trong tương lai.
Ông Nguyễn Thế Minh cũng cho rằng, yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán, vì hiện nay chỉ có một vài công ty chứng khoán có khả năng sử dụng robot để đặt lệnh.
Có góc nhìn khá tương đồng, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty chứng khoán dừng sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động chỉ có ảnh hưởng về mặt tâm lý, còn ảnh hưởng thực tế lên thị trường không nhiều.
Hiện tại, nhà đầu tư cá nhân không dùng sử dụng được robot để đặt lệnh. Việc sử dụng robot vào giao dịch chứng khoán chỉ được thực hiện với các nhà đầu tư tổ chức như công ty chứng khoán, hoặc quỹ đầu tư.
Một số ít công ty chứng khoán ứng dụng công nghệ vào xử lý các cái hoạt động giao dịch trong ngày và chủ yếu là các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh tự động. Bình thường nhiều doanh nghiệp chứng khoán cũng không sử dụng hệ thống đặt lệnh tự động bởi vì có những rủi ro sai lệch, ông Ngọc cho biết.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, nền tảng công nghệ giao dịch chứng khoán hện tại đã cũ, chỉ là tối ưu hơn khi được Công ty cổ phần FPT nâng cấp, nhưng nền tảng công nghệ thực chất vẫn là cũ, có những giới hạn nhất định. Đây có thể là lý do khiến cơ quan quản lý thận trọng trong việc sử dụng robot để đặt lệnh tự động, vì sẽ đẩy giới hạn lệnh lên cao và do đó làm cho hệ thống quá tải.
Thực tế, dòng tiền đã quay trở lại trở lại thị trường chứng khoán, thanh khoản trên thị trường đạt tới hơn 1 tỷ USD. Đây là lý do vì sao thị trường lại đối mặt với vấn đề quá tải.
Dù vậy, nhìn ở khía cạnh tích cực, việc đặt lệnh bằng robot trên thế giới rất phổ biến, do đó, khi hệ thống công nghệ hiện đại thì vấn đề đặt lệnh bằng robot đối với Việt Nam cũng là nhỏ. Khi ứng dụng hệ thống giao dịch mới KRX, việc giao dịch bằng robot sẽ không còn là vấn đề lớn nữa.
Đến thời điểm này, hệ thống công nghệ chưa xảy ra nghẽn lệnh như trước đây. Thực tế, hệ thống hiện tại đã từng xử lý thanh khoản lên đến 40 - 50 nghìn tỷ đồng. Vì vậy, thanh khoản quanh mức 30 nghìn tỷ đồng vẫn chưa phải là vấn đề lớn.
Tuy nhiên, việc yêu cầu dừng sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động là tầm nhìn của cơ quan quản lý, lường trước những vấn đề có thể xảy ra để nhắc nhở các công ty chứng khoán.
“Khi hệ thống KRX đưa vào hoạt động, cơ quan quản lý sẽ nới quy định sử dụng robot vào hoạt động đầu tư”, ông Ngọc nhận định.
Ông Ngọc cũng cho rằng, sử dụng robot cũng là nhân tố thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư. Do đó, hệ thống công nghệ phải đáp ứng và cơ quan quản lý sẽ không giới hạn việc nâng cao yếu tố công nghệ hỗ trợ đầu tư, đây cũng là xu hướng của thế giới.
Thực tế, thuật ngữ robot giao dịch chứng khoán đã xuất hiện từ những năm 1970 và bắt đầu từ những năm 1980-1990 tại Mỹ.
Giao dịch bằng robot giúp mua bán được diễn ra tại mức giá tốt nhất có thể do diễn ra tại thời điểm chính xác và tức thì nhằm tránh thay đổi đáng kể về giá. Cụ thể, đặt lệnh giao dịch ngay lập tức và chính xác, loại bỏ rủi ro lỗi thao tác và tốc độ chậm do con người; vận hành trong đa dạng các điều kiện môi trường khác nhau. Kiểm thử quá khứ thuật toán dựa trên dữ liệu lịch sử và thời gian thực (real-time). Loại bỏ yếu tố cảm xúc và tâm lý trong quá trình giao dịch.