Trong bối cảnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất theo theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các ngân hàng sẽ lại càng phải cân nhắc nhiều hơn cho các nhu cầu vay vốn của khách hàng. “Gói hỗ trợ lãi suất là chủ trương lớn nên dự kiến số lượng khách hàng đăng ký sẽ lớn. Do đó, để có đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay của các khách hàng đủ điều kiện, NHNN nên xem xét nới room cho các tổ chức tín dụng lớn để các ngân hàng triển khai các chính sách được thông suốt, hiệu quả”, ông Trần Phương - Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết.
Đề cập vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng, PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết: “ Việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng cho các NHTM dựa trên một số lý do cơ bản: Hạn chế tình trạng tăng trưởng tín dụng quá cao, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao; đồng thời tăng trưởng tín dụng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nóng; để phân biệt các NHTM hoạt động kinh doanh an toàn và các ngân hàng có mức độ rủi ro cao hơn; kiểm soát cơ cấu đầu tư vốn trong nền kinh tế.
Theo SSI Research, đại diện NHNN từng chia sẻ sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý hơn (có thể vào cuối quý III/2022 - theo kỳ vọng của SSI Research) và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.
“Chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tích cực khi nền kinh tế đang dần hồi phục, đặc biệt gói hỗ trợ lãi suất 2% vừa được ban hành sẽ góp phần kích thích mạnh mẽ đà tăng trưởng. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh có thể hưởng lợi hơn khi có tỷ trọng các nhóm ngành được hỗ trợ cao hơn”, báo cáo Công ty chứng khoán (CTCK) Agriseco nhận định.
Theo đó, Agriseco kỳ vọng sẽ có đợt nới "room" tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý thời gian tới cho các NHTM. Các ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR cao, chất lượng tài sản tốt và hệ số LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) còn nhiều dư địa tăng trưởng sẽ có thể được nới hạn mức cao hơn.
Theo NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến giữa năm 2022 đã đạt tới 8,16% so với đầu năm 2022 và tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ năm 2021 là 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng tín dụng nửa đầu 2022 cũng là mức cao nhất trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2017 trở lại đây. “Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm 2022 phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Điều này đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết,
Hiện NHNN chưa có tín hiệu sẽ nới lỏng tỷ lệ hạn mức tín dụng (room) và theo lãnh đạo NHNN, room vẫn còn chứ chưa hết và đây chính là thời điểm để các ngân hàng “gạn đục khơi trong”, hướng dòng vốn vào những lĩnh vực an toàn, hiệu quả.
Ông Đào Minh Tú phân tích thêm: Thực tế tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,16% tuy là khá nhanh, nhưng so với hạn mức mà NHNN cấp chung cho toàn hệ thống trong năm nay (14%) thì với phần còn lại vẫn còn khoảng gần 6% cho các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải tự xoay sở để tập trung dòng vốn vào các lĩnh vực thực sự hiệu quả, hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Theo định hướng của NHNN, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
“Nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng cao cũng đặt ra nhiều vấn đề lớn trong điều hành như áp lực lạm phát tăng, cũng như “vòng xoáy” về lãi suất, về nợ xấu...Theo đó, việc điều tiết tăng trưởng tín dụng của NHNN đã được thể hiện rất rõ trong Chỉ thị 01 ban hành từ đầu năm, trong đó, việc cấp room với từng ngân hàng sẽ phụ thuộc vào các tiêu chí cụ thể. Các ngân hàng có mức xếp hạng cao hơn về an toàn tài chính có thể sẽ được cấp room lớn hơn, ngoài ra room cũng có thể được ưu tiên tăng thêm cho các ngân hàng tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém”, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết.
Ngược lại, NHNN cũng luôn cảnh báo việc các NHTM i rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro cao, những lĩnh vực đầu cơ…
“Trường hợp các ngân hàng cố tình tham gia các lĩnh vực rủi ro thì NHNN sẽ giảm room của các ngân hàng này”, ông Phạm Chí Quang cho biết.
Tuy nhiên phía NHNN cũng chia sẻ, có thể room tín dụng không hoàn toàn “đóng cứng” cho đến hết năm, bởi ngay trong định hướng đưa ra thời điểm đầu năm thì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 14%, nhưng cũng có thể điều chỉnh theo diễn biến thực tế.
Vấn đề hiện nay đối với NHNN là sẽ phải điều hành trên cơ sở cân đối các mục tiêu khác nhau, trong đó, một trong những vấn đề đáng quan ngại hiện tại vẫn là nguy cơ lạm phát, bởi thực tế lạm phát đã diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, tình hình tài chính tiền tệ của các quốc gia đang có rất nhiều biến động, gây áp lực đến kinh tế Việt Nam.