Doanh nghiệp 'khát' vốn, ngân hàng hết room tín dụng, "tư lệnh" ngành Ngân hàng nói gì?

Chiều 8/6, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng về tính hợp lý của việc cấp "room" tín dụng trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp cao nhưng nhiều ngân hàng hết hạn mức tín dụng nên phải đồng loạt xin nới room tín dụng.

Chú thích ảnh
Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khách hàng cá nhân tăng mạnh nhờ mở cửa kinh tế sau khi dịch COVID-19 tạm thời được kiểm soát. Ảnh: ABBank.

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Tín dụng là nội dung trọng tâm trong điều hành của NHNN. Thực tế, vốn đầu tư dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng. Dư nợ tín dụng trên GDP của nước ta hiện ở mức 24%, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) nằm trong số nước có hệ số ở mức cao nhất thế giới. "Kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, khi có biến động, người dân khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sẽ lập tức ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Ngân hàng mất khả năng chi trả sẽ gây hệ luỵ cho nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết. 

Theo lãnh đạo NHNN, việc cấp hạn mức tín dụng được áp dụng từ năm 2011 và được xem là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại. Trước đây khi chưa cấp hạn mức tín dụng, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng rất cao, tới 30%, cá biệt có năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng tới 58%, tạo ra cuộc đua lãi suất huy động tiền cho vay.

“Đây là giải pháp hiệu quả thời gian qua và hiện vẫn áp dụng khi hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, tiếp cận chuẩn mực quốc tế". Thông thường hàng năm, trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát, GDP, nhà điều hành đưa ra chỉ tiêu định hướng, để điều hành theo thực tế. Việc phân bổ tín dụng dựa trên nền tảng phân loại TCTD, nơi nào lành mạnh thì được phân bổ tín dụng cao hơn", “Tư lệnh” ngành Ngân hàng khẳng định.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ông Trịnh Xuân An tranh luận. Theo đại biểu Quốc hội này, cơ chế cấp hạn mức tín dụng này mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay. "Cấp tín dụng hàng năm thì năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết, ngân hàng lại phải đi xin. Trong bối cảnh đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng, ngân hàng muốn cho vay cũng khó, tức là có tiền mà không cho vay được. Nếu cơ chế bất cập thì ‘có nên thực hiện thời gian tới nữa hay không? Không biết trên thế giới còn nước nào cấp hạn ngạch như Việt Nam hay không?", đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An băn khoăn. 

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng không hạ chuẩn vay
Tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng không hạ chuẩn vay

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) là không hạ chuẩn cho vay. Theo đó, doanh nghiệp khi vay phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN